Ảnh minh họa. Nguồn: doanthanhnien.vn |
Sự nghiệp Đổi mới đã được tiến hành hơn 30 năm, nhưng có một mảng công tác đặc biệt quan trọng của Đảng-công tác giáo dục chính trị-lại tỏ ra rất chậm chạp trong việc đổi mới phương pháp.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên rơi vào suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đề cập: “Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những hậu quả gây ra”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhấn mạnh: “Tình trạng lười học tập hoặc học qua loa, đại khái, học đối phó, học cốt để lấy bằng còn xảy ra phổ biến”.
Theo GS, TS Dương Xuân Ngọc, nguyên Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, giáo dục chính trị về bản chất là quá trình giáo dục, truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và đồng thuận xã hội; không ngừng nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong công cuộc phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác này, Người luôn luôn tâm niệm: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Theo Người, giáo dục chính trị là dạy cho mỗi người có trí khôn, Đảng ta là đảng cộng sản của một dân tộc mà trình độ dân trí thấp, trình độ nền sản xuất lạc hậu, thành phần xuất thân của đảng viên đa dạng, cho nên giáo dục chính trị là phương pháp cơ bản, quan trọng nhất để xây dựng bản lĩnh chính trị, giữ vững bản chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thực tế lâu nay ai cũng nhận ra là công tác giáo dục lý luận chính trị, phổ biến nghị quyết chưa hấp dẫn người học, người nghe. Cán bộ, đảng viên, có cả những cán bộ cấp cao không tha thiết, say sưa nghiên cứu, học tập để nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng; thậm chí có người coi đó là những kiến thức “khô, khó, khổ”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị”. Còn đối với quần chúng nhân dân, trước hết là thanh niên, sinh viên thậm chí còn “sợ” học tập chính trị, coi đó là môn học áp đặt, không thiết thực, xa rời thực tế. Trên diễn đàn của một số trường đại học, có hiện tượng xem nhẹ nội dung giáo dục chính trị, thậm chí có giảng viên cho rằng học Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là giáo điều, lạc hậu, lãng phí thời giờ của sinh viên. Điều đó đáng để chúng ta gióng lên những hồi chuông báo động. Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan; từ trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan chuyên trách các cấp đến nội dung, chương trình, phương tiện, điều kiện học tập; từ người dạy đến người học. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự đổi mới đồng bộ từ nhiều phía nhưng trước hết thuộc về người giảng dạy, tuyên truyền (giảng viên, báo cáo viên) với nghĩa vụ và trách nhiệm của một chủ thể giáo dục. Đổi mới công tác giáo dục chính trị hiện nay, trước hết phải đổi mới phương pháp lên lớp, giảng bài.
Giảng viên, báo cáo viên khi giảng dạy, tuyên truyền chính trị đích thực là người chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Yêu cầu đặt ra với họ rất cao, không chỉ là trí tuệ khoa học mà còn phải biết tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cảm hóa quần chúng, không chỉ phổ biến tri thức mà phải xây dựng tình cảm, niềm tin nơi quần chúng vào Đảng. Khác với các bộ môn khoa học khác, giáo dục chính trị lấy niềm tin là mục đích cao nhất của toàn bộ hoạt động giáo dục. Niềm tin ở đây là niềm tin khoa học, chứ tuyệt nhiên không phải thứ niềm tin chủ quan, phiến diện, thiếu vững chắc. 30 năm Đổi mới vừa qua, trong khi mọi mặt xã hội phát triển đi lên thì chúng ta lại chứng kiến một sự thật là tình trạng suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vào Đảng. Vì lẽ đó, người giảng viên, báo cáo viên hiện nay đứng trước những thử thách to lớn khi làm nhiệm vụ trên mặt trận giáo dục chính trị-tư tưởng, họ chỉ có thể thu phục người học bằng niềm tin vững chắc không thể chuyển lay, bằng sức mạnh của luận cứ khoa học và căn cứ thực tiễn sinh động chứ không thể áp đặt bằng cách truyền thụ kiến thức một chiều, gò ép khiên cưỡng trong giảng dạy, tuyên truyền. Đúng như nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Nghề của ta là nghề đi thuyết phục, không phải nghề răn dạy hay ra lệnh”. Do đó, đổi mới công tác giáo dục chính trị trước hết phải nâng trình độ đội ngũ giảng viên, báo cáo viên lên tầm cao mới.
Thế giới ngày nay đang vận động và biến đổi khó lường, tư duy lý luận của Đảng cũng được bổ sung và phát triển không ngừng cùng thực tiễn khách quan. Do đó, người giảng viên, báo cáo viên hiện đại cần thường xuyên tự học, tự cập nhật những tư duy, quan điểm mới của Đảng. Hiện nay, không một lớp tập huấn hay chương trình đào tạo cơ hữu nào có thể theo kịp thực tiễn, theo kịp những biến động của tình hình thế giới cũng như trong nước. Ngược lại, mọi biến động của thời cuộc dù khó lường đến đâu cũng không đi trật những quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Nắm vững thế giới quan và phương pháp luận Mác-xít, biết tự học và tự cập nhật tình hình thời sự, người giảng viên, báo cáo viên sẽ luôn biết điều chỉnh nội dung bài giảng nhằm lý giải những vấn đề sinh động của thực tiễn. Đặc biệt, phải nâng cao tính phê phán của bài giảng chính trị, chủ động và tích cực đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu phản động, chống phá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi bài giảng.
Sự phát triển của công nghệ thông tin ở nước ta hiện nay khiến cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp trong xã hội hằng ngày, hằng giờ chịu tác động của các luồng thông tin nhiều chiều với tốc độ rất nhanh, rất khó kiểm soát. Việc sử dụng phương pháp truyền thống “thầy đọc-trò ghi” tỏ ra không còn hấp dẫn và hiệu quả như trước nhưng truyền thụ kiến thức bằng cách thuyết trình vẫn là phương pháp cơ bản nhất của quá trình chuyển giao tri thức khoa học Mác - Lê-nin. Vì vậy, đổi mới giáo dục chính trị nhất thiết phải đổi mới phương pháp thuyết trình, lấy người học làm trung tâm, tạo điều kiện để người học tham gia nhiều nhất vào quá trình tự lĩnh hội tri thức. Trong bối cảnh trình độ dân trí nước ta ngày càng cao, người học ngày càng thông minh và trí tuệ, có khả năng tiếp cận thông tin nhiều chiều, đòi hỏi giảng viên, báo cáo viên chính trị phải dứt khoát thoát ly phương pháp giáo dục áp đặt, truyền thụ một chiều; thực sự là chuyên gia lý luận có phương pháp giáo dục sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng người học.
Có người cho rằng, phương pháp giáo dục sáng tạo hướng tới việc tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học sẽ làm lu mờ vai trò chủ thể giáo dục và điều đó rất khó áp dụng trong trường hợp học tập nghị quyết của Đảng, một nội dung cơ bản-thường xuyên của giáo dục chính trị hiện nay. Cùng với đó, người giảng bài nghị quyết thường là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong cấp ủy, vốn không phải là chuyên gia sư phạm nên phương pháp giáo dục sáng tạo rất khó thực hiện. Chính quan điểm này đã làm thui chột mọi sự tìm tòi, sáng tạo của giảng viên, báo cáo viên; dẫn đến việc xác lập một tâm lý chung: Sự an toàn cho người lên lớp. Và vì thế dẫn đến việc chậm đổi mới phương pháp giáo dục chính trị. Hy vọng rằng, với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về nêu gương trong khắc phục những “khâu khó, việc yếu”, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chính trị sẽ đổi mới phương pháp giảng bài, truyền lửa đam mê vào từng lớp học.
“Học đi đôi với hành", "lý luận phải liên hệ với thực tiễn”, “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”-những đúc kết trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở Đảng ta phải rèn luyện đội ngũ giảng viên, báo cáo viên thành những người có tài nhưng phải có đức. Sẽ thật phản tác dụng nếu những người tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng lại thiếu đạo đức cách mạng. Và như vậy, để xây dựng một đội ngũ cán bộ giáo dục vừa "hồng", vừa "chuyên”, đảm nhiệm một nhiệm vụ rất quan trọng và rất khó, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có một cơ chế tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ thích đáng; thực sự tạo ra động lực thu hút nhân tài, kích thích tinh thần đổi mới, sáng tạo của những người làm công tác giáo dục, tuyên truyền.
Nhà giáo dục học Mai-a-cốp-xki đã nói: “Trong tim, trong óc con người có những chỗ bất cập với hình ảnh nghe nhìn, chỉ có thơ (văn học-nghệ thuật cao cấp) mới len vào được và chỉ có thể len vào được bằng thơ”. Điều đó cho thấy, để đổi mới giáo dục chính trị, giảng viên, báo cáo viên còn phải biết tận dụng ưu thế của văn học-nghệ thuật vào giáo dục, tuyên truyền. Những nhà giáo dục, tuyên truyền hàng đầu của Đảng ta như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu... luôn luôn vận dụng các ưu thế văn học-nghệ thuật vào giáo dục chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phê phán lối học chính trị theo kiểu thuộc lòng. Hầu như mọi chủ trương, đường lối của Đảng ta thời kỳ đầu cách mạng đều được Người chuyển thể thành tác phẩm thơ ca dễ thuộc, dễ hiểu. Riêng Tố Hữu, thơ ông là thơ tuyên truyền chính trị, giáo dục lý tưởng cách mạng, tình yêu Tổ quốc và nhân dân, lòng yêu kính lãnh tụ và tinh thần quốc tế vô sản nhưng luôn mượt mà, đi vào lòng người bởi những cảm hứng chính trị đã được kết hợp khéo léo với cảm hứng trữ tình. Ông là một nhà giáo dục chính trị tài hoa, đầy hiệu quả. Vì vậy, vấn đề đặt ra với mỗi giảng viên, báo cáo viên chính trị hiện nay là phải có cách tiếp cận, giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống trong chiều sâu văn hóa. Với kiến văn sâu rộng, với những rung cảm và nhiệt huyết của mình, người giảng viên, báo cáo viên sẽ có nội lực lớn hơn, có khả năng nói hay hơn, thuyết trình hấp dẫn hơn. Kiến thức văn học-nghệ thuật sẽ khiến những bài giảng lý luận-nghị quyết không còn là chính trị khô khan mà mang giá trị nhân văn sâu sắc và tầm vóc của người giảng viên, báo cáo viên cũng được nâng lên trong mắt người học, người nghe. Vận dụng những ưu thế của văn học-nghệ thuật trong tuyên truyền, giáo dục là xu hướng tất yếu, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục chính trị hiện nay.
Theo qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của nhân dân ( 23/01)
- Làm sao để nghị quyết thực hiện được ngay ( 10/01)
- Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp ( 07/01)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ( 24/12)
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trên không gian mạng ( 17/12)
- Suy diễn chủ quan, phiến diện - mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ( 13/12)