Thế hệ trẻ ngày nay thuận lợi hơn thế hệ cha anh bội phần về môi trường, cơ hội học tập, khởi nghiệp, phát triển tài năng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), giới trẻ lại sao nhãng việc học tập, tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lý tưởng. Khi mối quan hệ giữa đức và tài bị mất cân đối, rất dễ sa vào suy thoái về đạo đức, lối sống và lập trường tư tưởng, chính trị…
Nguy cơ từ việc lười học tập lý luận chính trị, nghị quyết của Đảng
Đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in bài Triết học đầu tiên ở trường đại học. Khi nói về vai trò của ý thức con người, thầy giáo ngày ấy đã lấy ví dụ mang tính đối lập: Không một người thợ nào có đôi bàn tay khéo léo như bầy ong để có thể xây một cái tổ ong với kết cấu đặc biệt như vậy. Nhưng sự khác biệt căn bản nhất ấy là, bầy ong chỉ xây tổ theo bản năng, còn người thợ, trước khi xây ngôi nhà của mình, anh ta đã hình thành nó từ trong ý thức và hoạch định sử dụng nó trong tương lai.
Thí sinh làm bài thi. Ảnh minh họa:TTXVN.
Ý thức là gốc rễ của đạo đức, văn hóa, quyết định mọi hành vi ứng xử của con người. Trong môi trường đổi mới, hội nhập và trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, ý thức của mỗi CB, ĐV chính là hiệu quả việc học tập, quán triệt, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Chỉ khi CB, ĐV được thẩm thấu sâu sắc lý luận chính trị (LLCT), nghị quyết, chỉ thị và những quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và thực hiện bằng ý thức tự giác, coi đó là bổn phận, trách nhiệm của mình thì nghị quyết của Đảng mới phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mới đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ngược lại, nếu lười học tập LLCT, nghị quyết, học qua loa đại khái, học đối phó, chiếu lệ, ắt sẽ dẫn đến mù mờ về quan điểm, tạo kẽ hở, cơ hội cho chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân phát triển. Với những người có tài năng, kiến thức chuyên môn và năng lực về quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật nhưng lại lười học tập, coi nhẹ việc nghiên cứu, vận dụng lý luận, quán triệt nghị quyết của Đảng thì cán cân giữa đức và tài sẽ bị lệch. Đây là kẽ hở, là "miếng mồi béo bở" để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo, đi ngược lại lợi ích của Đảng và dân tộc. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ rõ biểu hiện này, đó là tình trạng: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Tình trạng lười học tập LLCT, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng trong một bộ phận CB, ĐV không chỉ có hại đối với chính cá nhân, tổ chức nơi CB, ĐV công tác mà còn ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Giới chuyên gia nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng một bộ phận học sinh, sinh viên lười học lịch sử, chính trị. Trên các diễn đàn khởi nghiệp của tuổi trẻ gần đây, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ khởi nghiệp, cần phải “đi bằng cả hai chân”, vừa trau dồi kiến thức chính trị, pháp luật, vừa chăm lo phát triển kỹ năng quản lý, trình độ chuyên môn. Một cử nhân, kỹ sư hay doanh nhân trẻ, nếu chỉ giỏi kiến thức chuyên môn, có tài làm ăn, có tiềm lực về kinh tế nhưng lại bị hổng về trình độ LLCT, thiếu kiến thức pháp luật thì con đường khởi nghiệp khó bền vững. Những vụ án kinh tế bị đưa ra xét xử mà bị can là những người còn khá trẻ thời gian qua đều có nguyên nhân từ việc coi nhẹ đạo lý, bất chấp luật pháp. Hậu quả để lại là rất nặng nề.
Việc lười học tập, nghiên cứu LLCT, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng trong một bộ phận CB, ĐV và giới trẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho CB, ĐV về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức”. Cùng với đó là: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu”. Hệ quả của nó đã được Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn… Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trong môi trường quốc gia khởi nghiệp hiện nay, việc học tập vươn lên chiếm lĩnh tri thức, làm chủ trình độ, kỹ năng về khoa học công nghệ, năng lực quản lý kinh tế... đang là xu thế mạnh mẽ của lớp trẻ. Đó là tinh thần đáng tự hào của cả một thế hệ đang vươn lên làm chủ đất nước, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trong hành trình hội nhập quốc tế. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Chính vì vậy, khi tổ chức, cá nhân nào đó rơi vào tình trạng mù mờ về ý thức hệ, nhận thức kém về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chẳng khác gì lái xe trong đêm tối mà thiếu đèn...
Nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả
Việc tổ chức học tập LLCT cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, địa phương trong những năm qua vừa là môi trường, vừa là cơ hội để CB, ĐV phấn đấu phát triển cả đức và tài, cả phẩm chất và năng lực. Các mô hình sáng tạo từ cơ sở, nhất là trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (trong đó có dấu ấn sâu đậm của hệ thống học viện, nhà trường quân đội) về giáo dục chính trị đã có tác động sâu rộng đến ý thức, thiên hướng của lớp trẻ. Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ đề “Ánh sáng soi đường” lần thứ 3 năm 2019 đang diễn ra, đã tiếp tục lan truyền mạnh mẽ cảm hứng, tình yêu của giới trẻ đối với lý tưởng sống cao đẹp. Rất vui mừng khi hằng ngày trên mạng xã hội và thế giới truyền thông, chúng ta bắt gặp vô vàn những hình ảnh đẹp. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc và tự hào của những sinh viên trong buổi lễ kết nạp đảng viên ở các trường đại học, là hoạt động xung kích vì cộng đồng của các tổ chức đoàn thanh niên, là hình ảnh người chiến sĩ hôn lên Quốc kỳ nơi đầu sóng, là dòng nước mắt và những lời tri ân sâu nặng của những học sinh, sinh viên trước di ảnh, linh cữu của một vị tướng dạn dày chiến công vừa từ trần… Rất, rất nhiều những hình ảnh đẹp, giàu tính nhân văn ấy được giới trẻ chia sẻ trên mạng xã hội, là cách để lấy hoa thơm lấn át cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, gạn đục khơi trong, tôn vinh lý tưởng sống cao đẹp.
Dẫn vài ví dụ như vậy để thấy, những hành vi đi ngược lại truyền thống, lý tưởng của Đảng và dân tộc chỉ là cá biệt. TS Phạm Đào Thịnh, Trưởng khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sài Gòn cho rằng: Ý thức của học sinh, sinh viên như những trang giấy trắng. Trách nhiệm của thế hệ CB, ĐV đi trước cũng như bổn phận của những người làm giáo dục là phải viết lên đó, vẽ lên đó những ngôn từ, đường nét, hình ảnh vì mục tiêu phụng sự lý tưởng của toàn dân, của quốc gia, dân tộc. Để lớp trẻ không lười học LLCT, có trách nhiệm cao trong học tập, quán triệt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng thì việc giảng dạy phải luôn đổi mới về hình thức, phương pháp.
Với tinh thần đó, nhiều trường đại học, cao đẳng đã áp dụng các mô hình dạy học LLCT, các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những hình thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp dạy học trực quan với tích hợp các loại hình nghệ thuật, kích thích sự hào hứng, yêu thích của sinh viên. Đặc biệt, đối với sinh viên ngành giáo dục chính trị tại các trường đại học sư phạm, việc học tập này còn là cơ sở để hình thành kỹ năng, trách nhiệm cho thế hệ nhà giáo tương lai.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ rõ: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với CB, ĐV... Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng... Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học”.
Sức mạnh của đất nước, sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sự cộng hưởng của sức mạnh toàn dân, từ mỗi CB, ĐV và tổ chức đảng. Vì bất cứ lý do nào, ở bất cứ phạm vi nào, nếu ai đó coi nhẹ việc trau dồi LLCT, sao nhãng việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng thì chẳng khác gì con ong chỉ biết cắm đầu cắm cổ lo xây tổ, làm mật. Họ sẽ thiếu động cơ, mục tiêu cống hiến vì cộng đồng, xã hội và cao hơn hết đó là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sự thành đạt, giàu có (nếu có) sẽ khó bền vững khi chủ nghĩa cá nhân, lối tư duy ích kỷ, hẹp hòi là những phạm trù xâm lấn ý thức.
Tìm ra những hình thức dạy học hấp dẫn, nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt từ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tình hình hiện nay.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của nhân dân ( 23/01)
- Làm sao để nghị quyết thực hiện được ngay ( 10/01)
- Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp ( 07/01)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ( 24/12)
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trên không gian mạng ( 17/12)
- Suy diễn chủ quan, phiến diện - mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ( 13/12)