Hình thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
Từ trước đến nay, báo chí luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nói riêng. Bên cạnh đó, báo chí còn tham gia giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản ánh những cách làm hay, những mô hình mới, sáng tạo, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh, giúp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống có hiệu quả.
Tuy nhiên, tại các địa phương, dù là cơ quan đại diện cho tiếng nói của đảng bộ tỉnh, các báo, đài địa phương cũng đều gặp những khó khăn chung trong việc tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng. Đa phần các bài viết đều nằm ở dạng thông tin xơ cứng, thiếu hấp dẫn, thiếu tính chiến đấu. Các thông tin khai thác chưa sâu, đề tài chưa đặc sắc. Một bộ phận phóng viên, nhà báo chuyên trách về mảng này đôi lúc cũng giảm nhiệt huyết, khí thế, chưa có tính đào sâu nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo khi tuyên truyền các vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, có thể thấy, sự ra đời của Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) phần nào đã khơi dậy được sự sôi động của báo chí trong vấn đề tuyên truyền về xây dựng Đảng. Sức lan tỏa của Giải Búa liềm vàng trong 5 năm qua đã góp phần làm sống động và hấp dẫn với mảng báo chí vốn được cho là “khó - khô - khổ” này. Điều này thể hiện rõ thông qua số lượng tác phẩm dự thi tăng theo qua từng năm tại Giải Búa liềm vàng. Nội dung, đề tài đến cách thể hiện bài viết về xây dựng Đảng được các phóng viên đầu tư hơn vì vậy trở nên sinh động, gần gũi và hấp dẫn với độc giả. Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo địa phương đã có sự đầu tư lớn không chỉ để dự giải.
Qua các năm, ngay sau khi Ban Tổ chức (BTC) Trung ương ban hành kế hoạch tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Giải Búa liềm vàng), hầu hết các tỉnh, thành uỷ đều ban hành kế hoạch hưởng ứng Giải. Và như theo thông lệ, sau 5 năm, công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng gắn với việc tham gia hưởng ứng Giải Búa liềm vàng đã trở thành công việc chính trị thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương.
Các địa phương sẽ giao ban tuyên giáo hoặc ban tổ chức các tỉnh, thành uỷ làm đơn vị thường trực các mảng công việc liên quan đến việc hưởng ứng, triển khai Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo chí trong tỉnh. Ngoài ra, các đơn vị này còn chịu trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đây là một trong những nguồn đề tài cho phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan thông tấn báo chí.
Nhiều tờ báo đảng địa phương như Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Nam Định, Thái Nguyên,… thành lập các chuyên trang, chuyên mục riêng về việc tham dự Giải Búa liềm vàng trên cả báo in lẫn báo điện tử. Nhiều đài phát thanh - truyền hình (PTTH) của tỉnh cũng thành lập các chuyên đề về xây dựng Đảng để phát sóng dự thi, kèm theo đó là tập hợp đăng phát cả các tác phẩm của các đài PTTH của huyện, xã,… trong tỉnh.
Lan tỏa Giải "Búa liềm vàng" đến các địa phương
Nhiều tỉnh, thành phố lựa chọn việc hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng bằng cách tổ chức Giải Búa liềm vàng của địa phương. Các tỉnh, thành uỷ sẽ thành lập các ban chỉ đạo, BTC Giải và ban giám khảo chấm Giải. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, cơ cấu giải thưởng, tiêu chí của Giải phù hợp với tình hình địa phương. Đây chính là sự vận dụng sáng tạo, cụ thể hoá việc hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) của tỉnh. Thông qua các Giải tỉnh, BTC sẽ chọn lựa được những tác phẩm xuất sắc, có giá trị thực tiễn cao viết về xây dựng Đảng để trao giải, động viên được nhiều phóng viên, nhà báo tham gia viết về mảng đề tài này. Đồng thời, đây là nguồn bài để gửi dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng. Theo như đánh giá của BTC Giải Búa liềm vàng, qua các năm, công tác sơ tuyển tác phẩm dự thi của các cơ quan báo chí và hội nhà báo tại địa phương được tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, dần đi vào nền nếp, chất lượng tuyển chọn cũng được nâng cao.
Lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Bình Thuận năm 2020 (Giải Cờ đỏ)
Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên, Bình Thuận, Quảng Trị, Quảng Ninh, Phú Yên, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk… là những nơi đăng cai, tổ chức Giải báo chí về xây dựng Đảng tại địa phương. Tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành uỷ là Cơ quan Thường trực của Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội. Vừa qua, Thành uỷ đã có kế hoạch triển khai mùa Giải lần thứ IV - năm 2021. Ngoài ra, Hà Nội cũng có thêm một giải nữa là Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tỉnh uỷ Bình Thuận cũng tổ chức riêng Giải báo chí về xây dựng Đảng của tỉnh lấy tên là “Giải Cờ đỏ” Năm nay, Giải Cờ đỏ chính thức bước sang mùa thứ tư. Sơn La cho thành lập riêng Ban Chỉ đạo Giải báo chí về xây dựng Đảng của tỉnh Sơn La (gọi tắt Ban Chỉ đạo 367). Tỉnh uỷ Đắk Lắk ban hành riêng kế hoạch về việc tổ chức thường niên Giải báo chí về xây dựng Đảng của tỉnh.
Trong bối cảnh mưa lũ tại miền Trung và tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp năm 2020, các tỉnh, thành phố vẫn nỗ lực dưới nhiều hình thức để lựa chọn các tác phẩm xuất sắc dự thi Giải Búa liềm vàng ở cấp Trung ương và tổ chức trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng của địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Trị,…
Từ ngay từ năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã tích cực hưởng ứng và tổ chức phát động, xét chọn trao Giải hằng năm tại tỉnh để khuyến khích đội ngũ phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, biên tập viên có thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng về công tác xây dựng Đảng. Nhờ triển khai tốt việc kêu gọi, huy động đông đảo cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên tham gia viết bài về đề tài xây dựng Đảng, qua 4 năm tổ chức, tỉnh đã nhận được 197 tác phẩm dự Giải đạt tiêu chuẩn. Những năm đầu, Giải chưa nhận được sự tham gia của phóng viên thường trú các báo Trung ương, ngành trên địa bàn, tuy nhiên từ năm 2019 trở đi, số lượng tác phẩm tăng vượt trội. Một số tác phẩm được đầu tư công phu với đề tài đặc sắc và được xây dựng nhiều kỳ.
Tại Hậu Giang, tuy không tổ chức Giải ở địa phương, nhưng BTC Tỉnh uỷ chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thành lập các nhóm các tác giả thực hiện chuyên đề, bài viết ở 4 thể loại (báo in, báo hình, báo phát thanh và báo điện tử). Sau đó, BTC Tỉnh uỷ cũng chủ trì thành lập Hội đồng để xét chọn tác phẩm dự thi cấp Trung ương.
Những dấu ấn của tác phẩm có chất lượng
Qua 5 năm phát động Giải Búa liềm vàng, chất lượng tác phẩm của báo chí địa phương ngày càng được nâng cao, đề tài được lựa chọn khai thác khá toàn diện, phản ánh sinh động vai trò lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều bài viết lựa chọn hướng đi khó như viết về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu sai trái của thế lực thù địch,… Phương pháp thể hiện các tác phẩm của các địa phương cũng ngày càng hấp dẫn, xúc động, không bị khô cứng như cũ và đặc biệt phát huy tốt việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong làm báo. Một số tác phẩm đã đề cập được những nét mới trong đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát hiện những tổ chức, cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt và đề xuất được một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phản ánh được hơi thở thực tiễn của đời sống. Những vấn đề cụ thể các tác phẩm phản ánh đã giúp cho các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhìn nhận và phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, yếu kém; bổ sung, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, qua đó tìm ra lời giải cho những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay tại chính địa phương, đơn vị.
Riêng ở mảng báo in dành cho các tác phẩm xã luận, bình luận, chuyên luận, phỏng vấn, lĩnh vực vẫn được xem giàu tính lý luận và là "thách thức" đối với các báo địa phương thì năm 2020, BTC Giải đã thu được gần một nửa số lượng tác phẩm dự thi ở thể loại chính luận của các đơn vị báo chí địa phương. Đồng thời, chất lượng tác phẩm được nâng cao đáng kể. Nhiều bài viết như vũ khí sắc bén chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng như tác phẩm “Chống diễn biến hoà bình” đạt Giải tác phẩm xuất sắc về đấu tranh chống diễn biến hoà bình năm 2020 của Báo Tây Ninh; tác phẩm “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lực lượng Quân khu 4” của Báo Quân khu 4,… Một số tác phẩm tập trung vào những đề tài nóng, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đi sâu phân tích cơ sở lý luận, tình hình thực tiễn, dự báo tình hình trong nước, quốc tế như tác phẩm "Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng báo dân tộc thiểu số" của Báo Bình Phước; "Làm tốt công tác cán bộ - “đánh chìa khóa” mở nhiều cánh cửa" của Báo Thanh Hoá; "Nghị quyết Trung ương 4 với công tác nhân sự nhiệm kỳ mới", Báo Sài Gòn Giải phóng,…
Lần đầu tiên, nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm báo chí đoạt giải được tuyên dương, trao thưởng, tạo hiệu ứng lan toả tích cực trong xã hội
Đáng chú ý, trong năm 2020, các tác phẩm truyền hình của đài PTTH địa phương đã phát hiện được những tấm gương đảng viên người tốt, việc tốt, có sức lan toả mạnh mẽ trong đời sống như nhân vật trong tác phẩm Bríu Pố và chuyện nêu gương của Đài PTTH tỉnh Quảng Nam đạt giải B Giải Búa liềm vàng năm 2020, Người Dao xóm nhỏ làm việc lớn của Đài PTTH tỉnh Cao Bằng đạt giải C Giải Búa liềm vàng năm 2020 , Ông Huy bí thư của Đài PTTH tỉnh Hà Tĩnh đạt giải C Giải Búa liềm vàng năm 2020. Các nhân vật này đều được BTC Giải lựa chọn để trao thưởng “Nhân vật tiêu biểu” trong các tác phẩm để lan toả những tấm gương điển hình này đến toàn xã hội.
Qua 5 năm, cũng có những tác phẩm báo chí địa phương đoạt Giải A Giải Búa liềm vàng như loạt bài “Thí điểm nhất thể hoá và việc đổi mới hệ thống chính trị”, Báo Sài Gòn Giải phóng năm 2017; loạt bài “Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội” của Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng (Tạp chí của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hồ Chí Minh) năm 2019. Đây đều là các bài viết phản ánh những góc tiếp cạnh mới, tham góp cho các cấp uỷ, chính quyền các gợi ý, mở ra nhiều hướng đi nhằm củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo, cải tổ bộ máy.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng nhiều năm liền đoạt Giải Búa liềm vàng với các tác phẩm phản ánh cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo từ chính thực tiễn địa phương Quảng Ninh để cả nước học tập, được các chuyên gia, bạn đọc đánh giá cao như loạt bài “Đảng mạnh từ những bí thư “Dân tin - Đảng cử” Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đạt Giải C năm 2019; loạt bài “Kiểm soát quyền lực ở những nơi nhất thể hoá” đạt giải B năm 2020,…
Ngoài ra, một số cơ quan báo chí đã biết tận dụng được lợi thế cơ quan ngôn luận của đảng bộ tỉnh, đảng bộ thành phố để triển khai nhiều tác phẩm phản ánh chính đời sống, hơi thở thực tiễn của địa phương, có sức lan toả đến xã hội như các tác phẩm đoạt giải C Giải Búa liềm vàng năm 2019 (Trẻ hoá cấp uỷ: Không thể là “nhiệm vụ bất khả thi”, Báo An ninh Thủ đô; Phát triển đảng viên là người có đạo ở Ninh Bình: Lời giải từ thực tiễn, Báo Ninh Bình; Alo Bí thư tỉnh uỷ của Đài PTTH và Báo tỉnh Bình Phước); Giải C Giải Búa liềm vàng năm 2020 (tác phẩm “Bản lĩnh người đảng viên trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù SAR-CoV2, Báo An ninh Thủ đô; Văn hoá chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ”, Báo Kinh tế đô thị),...
Nguồn: Đỗ Anh/xaydungdang.org.vn
Tin mới cập nhật
- Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của nhân dân ( 23/01)
- Làm sao để nghị quyết thực hiện được ngay ( 10/01)
- Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp ( 07/01)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ( 24/12)
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trên không gian mạng ( 17/12)
- Suy diễn chủ quan, phiến diện - mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ( 13/12)