Kết quả 10 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh
EmailPrintAa
07:51 18/04/2019

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, ngày 27/4/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về ban hành Quy chế công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên nắm tình hình tại Dự án Formosa

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh để thống nhất quan điểm chỉ đạo, định hướng kế hoạch phối hợp. Mặt khác, lựa chọn một số nội dung cụ thể, trọng tâm, chỉ đạo các ngành liên quan ký kết phối hợp với ban tuyên giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng năm. Các huyện, thành, thị ủy xây dựng kế hoạch phối hợp công tác với ủy ban nhân dân cấp huyện, các phòng, ban liên quan triển khai tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên phối hợp với ban tuyên giáo các cấp trong xây dựng các đề án, cơ chế theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Định kỳ hàng tháng, tại hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban báo chí, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin chuyên đề cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các cơ quan báo chí. Đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, những vấn đề dư luận quan tâm liên quan đến triển khai các dự án lớn về kinh tế - xã hội như: tái định cư, giải phóng mặt bằng, bồi thường sự cố môi trường biển, quy hoạch khu vực xử lý rác thải, sáp nhập trường học, chuyển đổi mô hình quản lý các chợ trung tâm… Nhờ đó, ban tuyên giáo các cấp kịp thời tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý điểm “nóng”, cung cấp thông tin, định hướng dư luận.

Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn tuyên truyền, trọng tâm là vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; về an toàn giao thông, các hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội; công tác đối ngoại, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài; tình hình biển, đảo và công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội… Phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh hàng tháng, quý, 6 tháng, cuối năm biên soạn tài liệu về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh.

Triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 bình quân hàng năm đạt trên 18%, tăng 8,4 % so với nhiệm kỳ 2006 - 2010, riêng năm 2015 tăng gần 26%. Năm 2016 kinh tế tăng trưởng âm do sự cố môi trường, năm 2017 tăng trưởng đạt 10,71%, năm 2018 đạt 20,8%, cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt 12.784 tỷ đồng, bằng 150,2% kế hoạch Trung ương giao, đạt 136% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh có 158 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 69% số xã, vượt mục tiêu 5 năm (mục tiêu đến 2020 đạt trên 50%) và 01 huyện nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm). Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) xếp thứ 23 (tăng 10 bậc so với năm 2017), đặc biệt là Chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2018 xếp thứ 7 trong toàn quốc (Tăng 5 bậc so với năm 2017 và thuộc vào tốp đầu của cả nước), góp phần tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp được củng cố và nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy chế tại Hà Tĩnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung phối hợp tuyên truyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm thiếu quyết liệt, hiệu quả công tác phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân chưa cao; việc triển khai các nội dung phối hợp tuyên truyền giữa ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp chưa được thường xuyên; việc sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân giữa ban tuyên giáo và các cấp chính quyền chưa thường xuyên; một số vụ việc dư luận quan tâm chậm được giải quyết...

Để công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn có hiệu quả, thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa ban tuyên giáo và ủy ban nhân dân cùng cấp; duy trì chế độ trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, dư luận xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc từ đó phối hợp tuyên truyền, đề ra giải pháp hiệu quả; định kỳ thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp để từ đó có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trần Đình Hưng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc