Toàn cảnh Đại hội XIII
Khơi dậy khát vọng
Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Trong Đại hội lần thứ XIII có hai điểm nhấn phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới đó là: khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên trong chủ đề của Đại hội và trong các dự thảo báo cáo chính trị đề cập đến "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc". Đây là một điểm rất mới và là một điểm nhấn quan trọng.
Muốn đi tới đích đặt ra trước tiên phải có khát vọng. Nói đến khát vọng là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu; là nguồn động lực có sức mạnh vô biên để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề nhằm đạt được ước mơ, không khuất phục trước mọi thử thách… là động lực để cho mọi tầng lớp nhân dân đem hết sức mình thực hiện khát vọng, mà cụ thể ở thời điểm này khát vọng của dân tộc Việt Nam là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Trong lịch sử thế giới có nhiều quốc gia phát triển hùng mạnh và sự phát triển của mỗi quốc gia ấy đều bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường, một nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po…
Một điểm rất mới nữa là trong Đại hội Đảng lần này, khi đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta bắt đầu tính đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045, đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành một nước có trình độ phát triển cao, nhân dân được “Hạnh phúc”.
Đại hội Đảng lần này đề cập nhiều đến một thời kỳ phát triển mới, đó là thời kỳ vượt qua những thử thách, Việt Nam đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh”. Việt Nam không còn ở thời kỳ phát triển bình thường mà là phát triển đột phá. Đấy là những “key word” - từ khóa khi chúng ta nhắc đến Đại hội lần này. Vậy người dân nói chung và bạn bè quốc tế kỳ vọng gì cho Việt Nam sau Đại hội?.
Trước hết, trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn có một khát vọng được sống độc lập, khát vọng có chủ quyền. Thế nhưng, thực tế chúng ta luôn phải đương đầu với các cuộc chiến bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trải qua một thời kỳ tương đối dài, tính từ năm 1945 đến nay, suốt 75 năm, tức là ba phần tư thế kỷ, chúng ta vẫn không nguôi khát vọng là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng, khát vọng hòa bình, khát vọng day dứt vượt ra khỏi cảnh đói nghèo, lạc hậu, khát vọng cháy bỏng muốn phát triển đất nước phồn vinh hơn với một vị thế cao hơn để xứng với truyền thống kiên cường của dân tộc.
Có thể thấy, ở mọi thời kỳ lịch sử, khát vọng ngàn đời của dân tộc ta là độc lập, tự do. Trong lịch sử, hết thực dân Pháp lại đến đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược đất nước ta. Chúng ta đã hi sinh hàng triệu người, lượng bom đạn đổ xuống đất nước với diện tích chỉ hơn ba mươi vạn cây số vuông mà bằng mấy lần chiến tranh thế giới cộng lại. Khát vọng của chúng ta khi đó luôn là khát vọng hòa bình, được sống trong tự do và thống nhất đất nước. Chúng ta cũng đã phải mất 30 năm mới thực hiện được khát vọng này.
Gần một thế kỷ có được chính quyền độc lập, mất 30 năm nữa mới thống nhất được đất nước, mới được sống trong hòa bình thực sự. Thế nhưng ngay lập tức, đất nước lại gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Bị bao vây cấm vận, thù trong giặc ngoài khiến cho kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, thiếu thốn, li tán, tha hương. Khát vọng trong thời kỳ này một cuộc sống ấm no, xã hội yên bình. Năm 1986 đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, từ một nước khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn chúng ta đã thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam thành một nước năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.
Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Hiện tại, với những thành tựu thần kỳ của mình trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội và nhất là việc thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đang trở thành mảnh đất “thiên đường” mà nhiều người nước ngoài mơ ước được sinh sống.
Chúng ta đã vượt qua thời kỳ chiến tranh liên miên, thời kỳ đói khổ, thời kỳ rối loạn xã hội… Giờ đây, khát vọng đặt ra từ Đại hội XIII của Đảng là dân tộc Việt Nam phải bứt phá vươn lên, cất cánh. Nhớ lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi cho Thầy và trò ngay ngày độc lập đầu tiên từ năm 1945 là dân tộc Việt Nam phải bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu. Một thời gian rất dài, nghe điều đó như một lời khích lệ, nhưng đến thời điểm này, phải tự hào mà khẳng định rằng đất nước chúng ta đang có được những điều kiện để thực hiện mục tiêu đó. Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2045, chúng ta phải là một đất nước phát triển, nghĩa là bình quân đầu người đạt 15 nghìn USD trở lên. Chưa dừng lại ở đó, ước nguyện của chúng ta là xây dựng, phát triển quốc gia thịnh vượng, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sánh vai ngang hàng với các cường quốc trên thế giới.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải có vị thế quốc tế. Mà vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định, thể hiện rõ nhất là chúng ta được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với số phiếu gần như tuyệt đối. Chủ tịch luân phiên ASEAN và một loạt các vị trí trên các diễn đàn đa phương. Có thể thấy, từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Tiếng nói của Việt Nam không còn là tiếng nói nhỏ bé theo cách là xóa ẩn số nữa mà đã tham gia trực tiếp giải quyết các vấn đề mang tầm vóc thế giới. Như vậy chúng ta đã hội đủ thế và lực. Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như vậy. Cơ đồ của chúng ta chưa bao giờ nắm chắc trong tay như vậy.
Nguồn lực con người và giá trị nhân quyền
Vấn đề đặt ra là chúng ta làm sao vận dụng được tất cả những gì người Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Ở đây nhìn từ góc độ con người là tài nguyên quý giá nhất và vô tận. Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phát huy cao độ tiềm lực trong thời điểm mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Đồng thời nhấn mạnh đến việc đã đến lúc phải phát huy cao hơn nữa tiềm năng con người, giá trị vô giá mà chúng ta đang có. Không phải ngẫu nhiên mà lúc sinh thời Thủ tướng Xin-ga-po Lý Quang Diệu từng nhận định Việt Nam là quốc gia đứng hàng đầu Đông Nam Á về yếu tố nguồn lực con người. Ông coi đây là nguồn tài nguyên dồi dào của Việt Nam. Người Việt Nam ở trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới đã chứng tỏ sự thông minh, tài giỏi, nhanh nhẹn, uyển chuyển, linh hoạt, giỏi xử lý tình huống của mình thông qua những thành tích họ đạt được cống hiến cho thế giới trên rất nhiều lĩnh vực, đến lúc phải phát huy tối đa nguồn lực đáng giá này. Muốn phát huy nguồn lực con người thì phải đề cao hơn nữa vai trò trung tâm của con người trong mọi quyết sách. Khi đặt vấn đề khơi dậy khát vọng, làm sao để mỗi người trong xã hội, trong cộng đồng có ý thức phát huy cao nhất khả năng của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc thì lúc đó bài toán mà chúng ta thường đề cập đến như một mệnh đề song song đó là quyền con người phải được đáp ứng tối đa. Tức là con người phải được tham gia vào công việc quan trọng, được đóng góp vào sự nghiệp lớn lao của đất nước và được hưởng thành quả một cách tương xứng và đầy đủ. Cho nên, có thể khẳng định những mục tiêu đặt ra trong Đại hội XIII thực chất là xoay quanh phát huy nguồn lực sức mạnh con người thành sức mạnh tổng hợp quốc gia và tôn trọng những giá trị của nhân quyền.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ khi thành lập Đảng Cộng sản năm 1930 cho đến nay, đã hơn 90 năm, sắp tới là 100 năm thành lập, đất nước ta đã gặt hái những chiến công vô cùng vĩ đại. Từ một đất nước nô lệ, lầm than, Đảng đã lãnh đạo cách mạng đem lại cho dân tộc một đất nước tự do, độc lập, có vị thế đáng tự hào trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, trên con đường đi lên cùng dân tộc và đất nước, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm, không phải khi nào cũng chuyển động theo một tuyến tính thẳng băng. Thế nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra để rồi kiên quyết sửa chữa và điều quan trọng là Đảng luôn luôn nhìn thấy niềm tin của người dân đối với Đảng chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Để mất lòng tin của dân có thể mất Đảng. Làm sao giữ được lòng tin, bên cạnh việc đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo lập nên những chiến công huy hoàng thì Đảng luôn thể hiện trước dân là một tổ chức chính trị vì dân. Và như vậy thì những sai phạm của những cá nhân trong Đảng, thậm chí những sai lầm về mặt chính sách luôn được căn chỉnh, sửa chữa, mỗi lần căn chỉnh, sửa chữa nghiêm túc thì uy tín của Đảng càng lên. Đến khi chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới vào năm 1986, sau 35 năm, niềm tin của người dân với Đảng lại tăng cao và có thể khẳng định, thành quả lớn nhất của nhiệm kỳ vừa qua chính là niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Từ những phân tích trên đây có thể khẳng định rằng, một việc rất quan trọng đó là làm sao để sau Đại hội phải nâng cao hơn nữa lòng tin của dân với Đảng. Và để “dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” thì trước hết là phải củng cố được niềm tin của nhân dân, phải làm sao cho dân tin vào Đảng, tin vào Nhà nước và chế độ. Rõ ràng từ thực tế một số cán bộ thậm chí là cán bộ cấp cao của nhiệm kỳ XII bị xử lý kỷ luật dẫn đến tổn thất về uy tín của Đảng, có người dân thậm chí có lúc bi quan Đảng có còn đại diện cho họ nữa hay không, rồi hiện tượng một số cán bộ đảng viên làm quan để tham nhũng…, nhưng sau 5 năm của nhiệm kỳ, chúng ta thấy một bầu không khí khác hẳn. Đây chính là lợi thế khi bước vào Đại hội XIII, trong đó tăng cường chỉnh đốn xây dựng Đảng là một nội dung quan trọng.
Đặt kỳ vọng vào bộ máy lãnh đạo mới
Bên cạnh khơi dậy khát vọng, Đại hội XIII nhấn mạnh đến việc tăng cường củng cố tổ chức và xây dựng Đảng là một giải pháp mà mới nghe tưởng là câu chuyện của Đảng, nhưng chính lại là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao lòng tin của người dân với Đảng. Và đó chính là điều mà mỗi người dân hoàn toàn có thể đặt kỳ vọng vào vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Đảng sau Đại hột XIII. Bộ máy lãnh đạo của Đảng lành mạnh, với những quyết sách, đường hướng, bước đi đúng đắn sẽ thổi vào xã hội một luồng sinh khí mới, tăng lòng tin trong lòng dân.
Rõ ràng, khi sai thì kịp thời sửa chữa và sửa sai không phải chỉ là chỉnh đốn mình mà còn là để nâng cao lòng tin của dân với Đảng. Đây là một tư duy nhân văn trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Xuất phát từ sự lãnh đạo của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân, sự nghiệp này là của nhân dân, phải coi lòng tin của nhân dân chính là sức mạnh của mình. Còn dân mới còn Đảng.
Nói đến yếu tố con người, vấn đề cán bộ là quan trọng nhất. Chúng ta kỳ vọng vào những con người sẽ gánh sứ mệnh sau Đại hội. Đội ngũ cán bộ tham gia vào công việc lãnh đạo lần này được chuẩn bị kỹ, sàng lọc qua nhiều giai đoạn, nhiều tầng, nhiều nấc, được bồi dưỡng kỹ càng. Chúng ta cũng bắt đầu nhìn thấy xu thế phát triển của thế giới về kỹ thuật số, đổi mới sáng tạo như là những nội dung trọng yếu của Đại hội này, hay nói cách khác yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra một cách mạnh mẽ, vấn đề nguồn nhân lực không còn là những yêu cầu chung chung, không còn là những nguyên lý mà đã đi vào những vấn đề rất cụ thể, báo hiệu cho thấy giai đoạn tiếp theo, ít ra là nhiệm kỳ tới đây từ nay đến 2025, chúng ta sẽ có những bước phát triển vượt bậc.
Nguồn: GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang,Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam/xaydungdang.org.vn
(http://xaydungdang.org.vn/Home/nhan_quyen/2021/14775/Khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc.aspx)
Tin mới cập nhật
- Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của nhân dân ( 23/01)
- Làm sao để nghị quyết thực hiện được ngay ( 10/01)
- Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp ( 07/01)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ( 24/12)
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trên không gian mạng ( 17/12)
- Suy diễn chủ quan, phiến diện - mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ( 13/12)