Không thể xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam
EmailPrintAa
16:13 16/06/2017

Hàng loạt hoạt động đối ngoại được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tiến hành trong thời gian gần đây nhằm tăng cường hợp tác và đối thoại chiến lược với nhiều đối tác, nâng cấp quan hệ song phương với một số quốc gia, tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển... do Đại hội lần thứ XII đề ra.

Sự chủ động, tích cực đó của Việt Nam được dư luận thế giới đồng tình và đánh giá cao. Ấy vậy mà đây đó vẫn xuất hiện những giọng điệu lạc lõng cho rằng, tư duy ngoại giao của Việt Nam đã lỗi thời và khuyến cáo rằng, đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chính sách đối ngoại nếu không muốn bị cô lập... Thực chất của chiêu trò này không gì khác vẫn là xuyên tạc sự thật hòng làm cho thế giới nghi kỵ với Việt Nam, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta.

Những giọng điệu ấy dù có xảo quyệt, tinh vi đến đâu đi chăng nữa cũng không thể xuyên tạc được sự thật lịch sử, không thể đánh lừa được dư luận. Thực tiễn lịch sử từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời (2-9-1945) cho đến nay, đặc biệt trong hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. 

 
Ảnh minh họa/ TTXVN
 

Trong bản Tuyên ngôn độc lập công bố trước quốc dân đồng bào tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Có thể nói đó là những thông điệp ngoại giao đầu tiên mà Việt Nam muốn gửi tới thế giới. Trong hoàn cảnh đất nước vừa giành được độc lập, với một chính quyền non trẻ đứng trước vô vàn gian nan, thử thách, có những lúc ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí và thiện chí của mình đó là lấy độc lập, tự chủ, bằng sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Trên thực tế ngoại giao đã được Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng như một thứ vũ khí sắc bén để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, huy động nhân tài, vật lực để kiến thiết đất nước. Những thành công khởi đầu ấy đã đặt móng, xây nền cho công tác ngoại giao, tiếp thêm động lực và để lại những kinh nghiệm quý để Việt Nam tổ chức mặt trận ngoại giao trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc sau này.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện những đường lối, quyết sách đúng đắn, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao khôn khéo, linh hoạt theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Đảng ta, đấu tranh ngoại giao đã góp phần quan trọng nâng cao địa vị của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế; phân hóa, cô lập kẻ thù. Và cuối cùng, bằng những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao kết hợp với những thắng lợi về quân sự trên chiến trường, chúng ta đã buộc thực dân Pháp phải cam kết công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương. Thực hiện đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác ngoại giao Việt Nam luôn là một mặt trận hỗ trợ và phối hợp với mặt trận đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự. Bằng nhiều hoạt động và biện pháp linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đấu tranh ngoại giao đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là qua 30 năm đổi mới, công tác đối ngoại luôn bám sát tình hình thế giới, tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước. Sẽ là phiến diện nếu bàn đến thành tựu của công tác ngoại giao mà không nhấn mạnh nhân tố quyết định đó là sự phát triển trong tư duy ngoại giao và vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Có thể khẳng định tư duy ngoại giao của Đảng ta luôn đổi mới và phát triển không ngừng. Chính sự đổi mới, phát triển ấy đã giúp cho chính sách ngoại giao của Việt Nam luôn phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước, đạt được những thành tựu kỳ diệu, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự phát triển tư duy ngoại giao của Đảng ta được thể hiện rõ nét trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra. Trong đó về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta đã thể hiện rõ quan điểm, cái nhìn mới mẻ về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; về những tác động, ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thế giới với Việt Nam; về xu thế mở rộng phân công, hợp tác giữa các nước... Từ những nhận định chiến lược, Đảng ta chủ trương: Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 13/NQ-TW "Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới", trong đó khẳng định mục tiêu chiến lược và lợi ích cao nhất của Việt Nam là "Củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế". Nghị quyết cũng thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo công tác đối ngoại của Đảng ta đó là "thêm bạn, bớt thù"... Trong đổi mới về tư duy đối ngoại, Bộ Chính trị xác định: Đổi mới tư duy cho kịp với sự phát triển nhanh chóng của tình hình thế giới, kết hợp sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới của tình hình thế giới. Như vậy có thể nói, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đánh dấu sự đổi mới tư duy về công tác đối ngoại. Đây là cơ sở hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới vào những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niêm 90 của thế kỷ trước, tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng ta tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, với trọng tâm là “Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Nhiệm vụ bao trùm của công tác đối ngoại là: "Giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ".

Từ Đại hội VII đến Đại hội XI, Đảng ta chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại theo phương châm: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã kế thừa những nội dung cơ bản của đường lối đối ngoại được thông qua tại các kỳ đại hội trước, đặc biệt là Đại hội XI và có những bổ sung, phát triển mới. Đại hội XII chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.

Như vậy có thể thấy rõ đường lối đối ngoại rộng mở đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI đã được Đảng ta bổ sung, phát triển thành đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả của đường lối đó đã được minh chứng bằng thành tựu rực rỡ của công tác đối ngoại qua các nhiệm kỳ đại hội. Đường lối đó đã góp phần quan trọng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, điều kiện thuận lợi và tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển KT, XH, tăng cường QP, AN, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực hiện đường lối đúng đắn đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu. Đường lối đó đã khẳng định vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Sự thật rất rõ ràng vậy mà người ta vẫn cố tình xuyên tạc. Hành động xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt Nam mà những kẻ phản động đang tiến hành là hết sức nguy hiểm. Đặc biệt giữa lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì những hành động ấy dễ làm nhiễu thông tin, gây phân tâm, gây hiểu lầm trong quan hệ của các nước với Việt Nam, tác động tiêu cực tới niềm tin của nhân dân vào đường lối đối ngoại của Đảng.

Sự phát triển trong tư duy ngoại giao, tính đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả trong đường lối đối ngoại của Đảng ta là lời tuyên bố bác bỏ mọi giọng điệu xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, những phần tử cơ hội và bất mãn chính trị. Vấn đề đặt ra với mỗi người Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước là cùng với quán triệt, nâng cao nhận thức về đường lối đối ngoại của Đảng, phải chủ động phát hiện và đấu tranh mạnh mẽ phản bác mọi thông tin sai sự thật, những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, nhằm bảo vệ đường lối của Đảng, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT, XH, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới.

 Theo Song Hùng/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc