Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài
EmailPrintAa
17:12 08/01/2024

Sáng 5-1, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị của Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 39-KL/TW ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Đ/c Hoàng Đăng Quang phát biểu ý kiến kết luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Vũ Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, năm 2023 là năm đầu thực hiện Kết luận số 39-KL/TW về bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao các nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực (Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ), đặc biệt là quá trình trao đổi, hợp tác với các cơ sở đào tạo ở nước ngoài, xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng phù hợp với đối tượng tham gia, bảo đảm đúng đối tượng có nhu cầu bồi dưỡng. Công tác lựa chọn cán bộ tham gia khóa bồi dưỡng được thực hiện chặt chẽ. Việc tổ chức các đoàn ra bảo đảm chu đáo, đúng nguyên tắc, quy định. Kết quả, trong năm đã tổ chức 8 đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn tại New Zealand, Hàn Quốc, Úc với 140 cán bộ; tổ chức 2 đoàn cán bộ gồm 24 đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cấp sở đi bồi dưỡng trung hạn tại New Zealand; tổ chức bồi dưỡng 4 ngoại ngữ cho 102 cán bộ gồm tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Trung Quốc và tiếng Khmer.

Việc lựa chọn cơ sở đào tạo ở nước ngoài có sự chủ động, chất lượng, phù hợp với đối tượng tham gia. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, Cơ quan Thường trực lựa chọn được các cơ sở đào tạo có chất lượng, uy tín, tổ chức đoàn khảo sát sang đàm phán trực tiếp với các cơ sở đào tạo, ký kết các thỏa thuận hợp tác. Nội dung, chương trình bồi dưỡng được lựa chọn kỹ, thiết kế phù hợp với đối tượng tham gia; cấu trúc chương trình hài hòa giữa lý thuyết và khảo sát thực tế. Thông qua các chương trình bồi dưỡng, cán bộ đã thu hoạch được những kiến thức bổ ích, có ý nghĩa thực tiễn, có thể vận dụng vào công tác, góp phần tăng cường hiểu biết về lĩnh vực, ngành mình đang quản lý ở nước đến học tập, bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng công tác tham mưu, hoạch định chính sách phù hợp với bối cảnh, xu thế phát triển và thực tiễn của đất nước và địa phương.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ đối với các đoàn bồi dưỡng trong và ngoài nước được tăng cường, quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, không phát sinh các vấn đề an ninh chính trị nội bộ. Công tác quản lý tài chính thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.

Phát biểu ý kiến kết luận tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng cũng như kết quả đạt được trong công tác bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. “Năm 2023 là năm đầu thực hiện Kết luận số 39-KL/TW, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thách thức, khó khăn, những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, rất đáng ghi nhận”, đồng chí Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 39-KL/TW, đồng chí Hoàng Đăng Quang đề nghị Cơ quan Thường trực tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài, trong đó cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bối cảnh thực tiễn đất nước và xu thế phát triển trên thế giới để xây dựng nội dung, chương trình thiết thực, đúng nhu cầu; chú trọng lựa chọn cơ sở đào tạo có những nét tương đồng với Việt Nam; chủ đề nghiên cứu cần phù hợp, chú trọng các lĩnh vực trong nước đang cần như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu…; lựa chọn đúng đối tượng, phù hợp vị trí công tác; bố trí thành phần tham dự lớp bồi dưỡng đa dạng để các học viên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với các đoàn đi bồi dưỡng ở nước ngoài; thực hiện nghiêm quy chế bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra những vấn đề về an ninh chính trị nội bộ đối với các đoàn ra. Thực hiện công tác quản lý tài chính, hậu cần đúng quy định, công khai, minh bạch.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để tham mưu tổ chức các khóa bồi dưỡng có chất lượng, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Nguồn: Mai Anh/xaydungdang.org.vn

( https://xaydungdang.org.vn/thoi-su-chinh-tri/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-boi-duong-can-bo-lanh-dao-quan-ly-o-nuoc-ngoai-20319 )


    Ý kiến bạn đọc