Nâng cao chất lượng việc tổng kết
EmailPrintAa
15:57 24/10/2016

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đang bước vào giai đoạn tổ chức tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2016. Thực tế cho thấy, việc tổng kết bao giờ cũng quan trọng, bởi đó thực sự là đợt rút kinh nghiệm sâu sắc sau một năm thực hiện kế hoạch công tác của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Những chỉ tiêu, kế hoạch, công việc... trong cả năm sẽ được rà soát, mổ xẻ để tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu, những việc đã hoàn thành, chưa hoàn thành để tìm bài học, nhằm thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo đạt kết quả cao hơn. Với tính chất quan trọng như trên nên việc tổng kết ở các cơ quan, đơn vị cần phải được tiến hành chu đáo, cẩn trọng, khoa học.

Theo dõi các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kết năm, có thể thấy, cũng có nhiều đơn vị thực hiện công việc này rất bài bản, với đầy đủ các khâu-bước, từ hướng dẫn, triển khai chuẩn bị nội dung, đến xây dựng kế hoạch, tổ chức tổng kết nhiệm vụ... Ở những đơn vị này, khi tổ chức tổng kết, các ý kiến thường được chuẩn bị chu đáo, nên đóng góp có trọng tâm, trọng điểm, vẽ nên được bức tranh toàn cảnh của đơn vị, địa phương, từ đó mà cùng nhận ra những cái mạnh, cái yếu của chính mình. Nhưng ngược lại cũng có đơn vị, địa phương coi việc tổng kết chỉ là một thủ tục có tính hình thức, với quan niệm: Những việc gì làm được thì đã làm được rồi, còn những việc gì chưa làm được nếu có đem ra mổ xẻ trong tổng kết thì việc cũng vẫn không xong. Đây quả là một quan niệm chưa đúng về bản chất của tổng kết. Cũng có đơn vị tiến hành tổng kết kiểu chiếu lệ với tinh thần “vui là chính, liên hoan là chính”, nên việc tổng kết cũng giảm đi ý nghĩa.

 
Việc tổng kết  nhằm vẽ nên bức tranh toàn cảnh của đơn vị, địa phương. Ảnh minh họa: vietnamplus.vn.  

Như trên đã nêu, tổng kết là việc quan trọng, có thể giúp một cơ quan, đơn vị, địa phương tìm ra những điểm mạnh-yếu của mình, để từ đó có biện pháp phù hợp thúc đẩy cái mạnh phát triển, kiềm chế cái yếu. Ở tầm vĩ mô thì tổng kết có thể giúp các quốc gia, dân tộc nhìn lại cả một chặng đường phát triển, từ đó tìm ra những giải pháp đưa đất nước của mình tiến lên phía trước mà lại hạn chế được những sai lầm trong xây dựng, hoạch định chính sách, đường lối. Thế nên ở cấp nào, công việc gì thì cũng cần phải có sự tổng kết chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn của đơn vị, địa phương mình.

Muốn việc tổng kết bảo đảm được chất lượng tốt, thực sự cầu thị, thực sự tìm cho được bài học thỏa đáng trong quá trình xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương thì cán bộ chủ trì phải nêu cao trách nhiệm và phải coi việc tổng kết là việc rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của chính mình. Từ đó, người cán bộ chủ trì chỉ đạo các cơ quan thuộc quyền xây dựng kế hoạch, rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được xác định trong nghị quyết, đã được triển khai trong năm, hoặc trong một giai đoạn, để tiến hành tổng kết cho chu đáo. Một trong những việc chủ yếu phải làm, đó là tập trung nêu cho được hạn chế, còn yếu của đơn vị, địa phương mình, từ đó mà xác định nguyên nhân, để có biện pháp khắc phục. Hoặc ngay cả những tiến bộ, những thành tích đột biến của đơn vị, địa phương mình cũng cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, để rút ra kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm cho giai đoạn sau có thể đạt được những kết quả to lớn hơn. Một vấn đề quan trọng nữa đó là phải dự báo được sự phát sinh, phát triển của thực tiễn có ảnh hưởng tới đơn vị mình để dự kiến các chỉ tiêu, giải pháp cho kế hoạch tiếp theo. Các đơn vị, địa phương cần phải tránh kiểu tổng kết “năm khen, ba chê”, qua loa đại khái, hoặc những điểm mạnh, điểm tích cực thì nói vống lên, những điểm yếu, điểm hạn chế thì lờ đi... Cung cách tổng kết này hiện nay đã không còn phù hợp với tiêu chí về đổi mới lề lối, tác phong công tác theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cũng không còn phù hợp với mục tiêu xây dựng một chính quyền hành động, kiến tạo, vì dân như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc