Nêu gương từ việc học Nghị quyết
EmailPrintAa
16:00 23/11/2018

Hôm nay (23-11), Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, khóa XII của Đảng. Điều này thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc của Trung ương và cơ quan chức năng để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Hội nghị cũng là dịp để đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng thể hiện rõ vai trò nêu gương trong học tập, quán triệt nghị quyết, nhất là Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cần khẳng định rằng, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ, trách nhiệm của mọi cấp ủy, tổ chức đảng và CB, ĐV. Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đội ngũ cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đóng vai trò tiên phong, nòng cốt để lĩnh hội những vấn đề mới, quan điểm, chủ trương của Đảng được đề cập trong nghị quyết. Cán bộ chủ trì có thái độ học tập nghiêm túc, nghiên cứu kỹ, nắm chắc nội dung của nghị quyết sẽ có phương pháp tổ chức khoa học, lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện tốt việc học tập nghị quyết ở cơ quan, đơn vị mình; đồng thời cũng là tấm gương sáng về tinh thần học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ cấp dưới noi theo.

Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII . Ảnh: qdnd.vn

Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, việc học tập, nghiên cứu nghị quyết ở một số nơi, một bộ phận CB, ĐV, thậm chí có cả cán bộ chủ trì, chủ chốt thời gian qua còn mang tính đối phó, hình thức; vẫn còn cán bộ chủ chốt chỉ đến dự khai mạc, tham gia ở một vài giờ đầu tại hội nghị học tập, quán triệt, rồi viện lý do bận giải quyết công việc cơ quan và "xin về sớm"! Ở một vài nơi, vẫn còn cán bộ cấp trên viết bài thu hoạch chính trị qua loa, hình thức, hoặc "nhờ" cấp dưới viết hộ... Những việc làm này tuy nhỏ, nhiều trường hợp có lý do chính đáng, nhưng với cương vị người cán bộ chủ trì, chủ chốt thì vô tình trở thành hành vi ảnh hưởng đến thái độ, tinh thần học tập, quán triệt nghị quyết của cấp dưới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu. Người căn dặn cán bộ phải nêu gương từ những việc nhỏ nhất. Với tinh thần đó, việc thể hiện tinh thần nêu gương trong học tập, quán triệt nghị quyết cũng là một nội dung, phần việc không thể xem nhẹ. Theo đó, cán bộ chủ chốt các cấp phải thể hiện rõ vai trò nêu gương, gương mẫu trong toàn bộ quá trình học tập, quán triệt nghị quyết. Đây là trách nhiệm, cũng là yêu cầu tiên quyết để mỗi cán bộ chủ chốt sau khi được học tập, quán triệt nghị quyết sẽ là những báo cáo viên, tổ chức tuyên truyền, quán triệt nghị quyết tại từng cơ quan, đơn vị; xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết; đồng thời làm cơ sở chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên ở cơ quan, tổ chức quán triệt nghị quyết đến các cấp dưới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng kế hoạch theo dõi, đánh giá và công khai kết quả, chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; coi đây là một nội dung trong đánh giá, nhận xét cán bộ. Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền để lan tỏa những tấm gương mẫu mực về tinh thần, thái độ học tập của cán bộ chủ trì các cấp đến với cấp dưới và cơ sở.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc