Ảnh minh họa về Nghị quyết |
Những ý kiến tâm huyết
Qua thống kê, đã có 197 lượt ý kiến của các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao của các đồng chí cán bộ cốt cán. Nhìn chung các ý kiến đều khẳng định phải kiên trì xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; các nghị quyết ra đời kịp thời đáp ứng được đòi hỏi bức thiết hiện nay về việc phải cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, khẳng định việc xây dựng và phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế. Ý kiến thảo luận của đại biểu thể hiện việc nắm vững, hiểu sâu những vấn đề được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng.
Đối với Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân: Đa số ý kiến cho rằng, trong những năm gần đây, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những thay đổi theo hướng tích cực hơn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân từng bước được hoàn thiện. Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất; kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng... kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội.
Tuy vậy, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về thực trạng các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã… trên địa bàn hoạt động như thế nào chưa đánh giá được cụ thể, đặc biệt là giữa đăng ký hoạt động, kinh doanh với nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước còn thiếu chính xác; Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tư nhân, giữa các loại hình kinh doanh của kinh tế tư nhân… Nhà nước chưa kiểm soát được báo cáo việc hạch toán đầu vào – đầu ra của các doanh nghiệp tư nhân nên khó quản lý được thuế; tình trạnh lách thuế nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa; có doanh nghiệp báo cáo thua lỗ nhiều năm nhưng vẫn hoạt động; hiện tượng mua bán doanh nghiệp cho người ngoài tỉnh…Nhiều ý kiến cho rằng: Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế. Thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình đăng ký, hoạt động kinh doanh; Doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh; việc tiếp cận khoa học công nghệ hạn chế; thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn; trình độ, năng lực quản trị doanh nghiệp còn nhiều bất cập… Trong khi, thực tiễn các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Hà Tĩnh hoạt động chưa hiệu quả; kê khai nộp thuế còn nhiều bất cập. Hiện nay toàn tỉnh có 6.900 doanh nghiệp được cấp mã số thuế, trong đó có 4.200 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dưới hình thức hợp doanh và tư nhân; có 1.399 doanh nghiệp có phát sinh mã thuế. Doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quy mô nhỏ, không đủ sức cạnh tranh; nguồn thu của tỉnh từ xuất khẩu của doanh nghiệp hầu như không có. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp trong tỉnh rất hạn chế. Do đó, việc tìm kiếm thị trường đầu ra rất khó khăn (trong 1.200 doanh nghiệp xây dựng và thương mại chỉ có 200 doanh nghiệp hoạt động).
Đối với Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Các ý kiến đều thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, có nhiều đặc điểm của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên các ý kiến thảo luận cho rằng: Thị trường tiêu thụ chậm, không hiệu quả, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có hiện tượng chưa nắm vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, dẫn đến vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong kinh tế thị trường chưa sâu sát; một số định hướng, tác động của Nhà nước trong nền kinh tế chưa đồng bộ, mới chú trọng đầu vào chưa chú trọng đầu ra… dẫn đến đầu tư không hiệu quả, thua lỗ của nhiều dự án trong và ngoài nước.
Nhiều đại biểu đề xuất: Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý và vận hành nền kinh tế thị trường có hiệu quả hơn; cần xác định rõ chế độ đa sở hữu, vai trò, vị trí và cơ chế hoạt động của các thành phần kinh tế; hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo sự vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; cần quản lý chặt chẽ đối với các doanh nghiệp nhà nước; ổn định kinh tế vĩ mô, có chính sách đối phó với những biến động thị trường và kiềm chế lạm phát…
Đối với Nghị số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Hầu hết các ý kiến thảo luận đều đồng tình và thống nhất cao với quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng doanh nghiệp nhà nước đã được thu gọn hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp nhà nước được nâng lên. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước triển khai chậm so với yêu cầu; công tác cán bộ, chính sách tiền lương còn bất cập. Do vậy, trong thời gian tới, Trung ương cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chức danh quản lý trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp nhà nước; nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của thành viên độc lập trong hội đồng quản trị.
Kiến nghị thẳng thắn, có tính xây dựng cao
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng, các đại biểu đã thẳng thắn đề xuất nhiều nội dung với tinh thần xây dựng cao, như:
Trong các chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, trước hết về công tác quản lý cần có sự rà soát, đánh giá lại một cách chính xác về số lượng các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tập trung quản lý đầu vào khi thành lập doanh nghiệp. Phối hợp hậu kiểm, rà soát các doanh nghiệp. Cần có giải pháp mạnh cho các ngành thuế, hải quan trong kiểm tra rà soát kinh doanh hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Về chính sách, cần thường xuyên cập nhật cơ chế, chính sách để phổ biến cho các doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục có cơ chế chính sách phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp. Chú trọng hỗ trợ thành lập doanh nghiệp chế biến, các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại… hiện nay đang là khâu yếu trong phát triển kinh tế của Hà Tĩnh. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng đội ngũ quản lý doanh nghiệp về cách thành lập, quản lý doanh nghiệp, tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, đầu tư… Tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự vươn lên, tránh hành chính hóa việc thành lập doanh nghiệp để có cơ chế chính sách, được hưởng lợi mà cần tạo cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có động lực, có nhu cầu để tự phát triển lên. Các dự án được cấp phép không hoạt động phải được thu hồi. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh về cơ chế, hỗ trợ ưu tiên thị trường trong tỉnh; thu hút vốn, vay vốn, tìm kiếm, kết nối thị trường…
Trong các giải pháp để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,cần tiếp tục nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ sự cần thiết của nền kinh tế thị trường và tin tưởng vào định hướng của xã hội chủ nghĩa. Cần kiên trì, đồng bộ, có bước đi hợp lý để việc định hướng nền kinh tế phát triển đúng hướng. Tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, rừng và các tài sản nhà nước đã đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại.Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Rà soát, điều chỉnh khung giá quyền sử dụng đất phù hợp với thị trường ở từng địa phương. Thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công.Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ; dịch chuyển lao động, phân bố hợp lý lao động theo vùng; Hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động;Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về kinh tế.
Nhiều ý kiến đề xuất tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, có chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế, công tác quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại đối với huyện miền núi, biên giới phía tây Hà Tĩnh. Trung ương cần rà soát, đánh giá về chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng trong khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân để có chủ trương phù hợp đối với công tác xây dựng Đảng và tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp trong thời gian tới.
Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước: Cần xoá bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước. Hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, thiếu minh bạch trong doanh nghiệp nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu với quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của người lao động và người quản lý doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp. Rà soát, nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện về phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, quản lý. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán về kết quả thanh tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp nhà nước. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường. Quy định rõ trách nhiệm của cấp uỷ, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.
Phan Thị Mai Linh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tin mới cập nhật
- Sức mạnh trường tồn của Đảng là niềm tin của nhân dân ( 23/01)
- Làm sao để nghị quyết thực hiện được ngay ( 10/01)
- Tỉnh táo trước sự xuyên tạc, chống phá về công tác nhân sự trước thềm đại hội đảng các cấp ( 07/01)
- Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ( 24/12)
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên trên không gian mạng ( 17/12)
- Suy diễn chủ quan, phiến diện - mảnh đất màu mỡ của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ( 13/12)