Tỉnh Hà Tĩnh với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống
EmailPrintAa
21:28 20/09/2022

Trong những năm qua, cấp ủy các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, con người Hà Tĩnh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Một số ấn phẩm đã xuất bản

Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm củng cố tổ chức, bộ máy; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ. Một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn trong công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản ấn phẩm.

Công tác sưu tầm, khai thác, lưu trữ các nguồn tư liệu được chú trọng; việc xử lý, kiểm tra, đối chiếu, xác minh tư liệu được thực hiện bài bản, chính xác; hệ thống hóa tư liệu theo năm hoặc nhiệm kỳ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương và các ban, ngành, đoàn thể… Quy trình thẩm định nội dung các ấn phẩm trước khi xuất bản đảm bảo chặt chẽ về cấu trúc, nội dung, đặc biệt là các sự kiện, nhân vật lịch sử. Các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đảm bảo tính Đảng, tính khoa học.

Giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh xuất bản 38 ấn phẩm, trong đó cấp tỉnh đã xuất bản 09 ấn phẩm, tiêu biểu như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập I (1930 - 1954), tập II (1954 - 1975), tập III (1975 - 2010); Lịch sử Hà Tĩnh 2 tập (đến năm 2000); Lịch sử 75 năm hoạt động Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (1930 - 2005), Hà Tĩnh, 30 năm đổi mới và phát triển (1991 - 2021) … Đến nay, có 09/13 huyện, thành, thị ủy và 04 đảng ủy trực thuộc đã xuất bản lịch sử Đảng bộ; Huyện Vũ Quang và 15 ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã xuất bản lịch sử truyền thống; 04 đơn vị cấp huyện đang tổ chức sưu tầm tư liệu chuẩn bị cho việc biên soạn lịch sử truyền thống (Huyện Lộc Hà, Vũ Quang, Thị xã Kỳ Anh, Thị xã Hồng Lĩnh)… Cấp xã có 195/216 đơn vị (đạt 90,3%) đã xuất bản, 17 xã, phường, thị trấn đã có bản thảo và thẩm định chờ xuất bản, còn 04 xã, phường, thị trấn đang tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn lịch sử Đảng bộ; 07 đảng bộ huyện có 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ cấp xã.

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống được quan tâm, triển khai bằng nhiều hình thức. Từ năm 2012 - 2022, tỉnh đã tổ chức 25 hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của các lãnh tụ cách mạng, danh nhân văn hóa; về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước… Đưa nội dung bồi dưỡng chuyên đề, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, đạo đức cách mạng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên tại Trường chính trị Trần Phú và Trung tâm chính trị cấp huyện; tích hợp nội dung lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống vào chương trình giảng dạy các bộ môn lịch sử, giáo dục công dân trong các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của các địa phương, đơn vị, các ngành, đoàn thể đối với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng hiện nay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng; cập nhật thông tin các công trình nghiên cứu khoa học mới về lịch sử; tiếp tục nghiên cứu bổ sung, nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống đã xuất bản để tái bản. Phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng. Xây dựng lộ trình và từng bước số hóa các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống phục vụ tốt công tác lưu trữ, tiếp cận nghiên cứu và giáo dục lịch sử trong giai đoạn mới.

Phạm Viết Phượng (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc