Tổng Bí thư Hà Huy Tập và vấn đề nâng cao trình độ lý luận chính trị
EmailPrintAa
15:04 24/04/2017

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã có những đóng góp to lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam, trong đó có công tác lý luận.
 
Chương trình nghệ thuật “Hà Huy Tập - mãi mãi ngọn cờ chiến thắng” nằm trong nội dung Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh TBT Hà Huy Tập (ngày 24/4/2016)  

Trước khi tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập là một trí thức, có trình độ học vấn cao. Và điều may mắn là khi tuổi đời còn trẻ, với sự giúp đỡ của tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài, Hà Huy Tập được giới thiệu sang học ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), khóa học 1929-1932. Đây là một cơ hội lớn đối với Hà Huy Tập để anh có điều kiện trang bị một cách hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo cơ sở khoa học tiếp tục củng cố và nâng cao niềm tin vào thắng lợi của lý tưởng cộng sản, điều mà trước đó anh mới tin theo một cách cảm tính.

Trong thời gian học ở trường, đồng chí viết nhiều bài đăng trên báo chí quốc tế, nhất là Tạp chí Bôn-sơ-vích, cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời, tham gia soạn thảo một số tài liệu quan trọng khác.

Nhờ tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận cho nên trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo và rất quan tâm đến tổng kết các kinh nghiệm lịch sử, thành công và chưa thành công ở những thời kỳ đã qua của Đảng để soi sáng việc chỉ đạo các vấn đề hiện tại.

Đồng chí đã viết nhiều tác phẩm tổng kết kinh nghiệm hoạt động của Đảng ta những năm đầu, nổi bật là tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933). Đây là tác phẩm công phu đầu tiên viết về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng ta đến tháng 3/1933.

Các tác phẩm của đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ và tuyên truyền cho đường lối của Đảng, nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, đem lại niềm tự hào, tin tưởng cho quần chúng cách mạng ở thời điểm cách mạng thoái trào.

 
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập (Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên). Ảnh: Sỹ Ngọ  

Ngoài ra, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương Đại hội, thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đồng chí đã lãnh đạo cuộc tiến công trên mặt trận tư tưởng lý luận, báo chí nhằm vạch mặt đội lốt cách mạng “cực tả” của bọn Tờrốtxky. Đồng chí Hà Huy Tập đã viết 2 cuốn sách: Tờrốtxky... phản cách mạng; Ai chia rẽ nhóm La Lutte và một số bài báo xung quanh chủ đề này.

Các cuốn sách và bài báo của đồng chí đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh nhằm đập tan các luận điệu xuyên tạc của bọn giả danh cách mạng, đưa tư tưởng và lý luận chân chính của Đảng đến với quần chúng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương…

Tháng 8/1941, cùng với các bậc tiên liệt cách mạng khác, đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh dưới họng súng của kẻ thù. Đồng chí ngã xuống với niềm tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Thật đúng như vậy, 76 năm sau ngày đồng chí hy sinh, vượt qua bao khó khăn, thử thách, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo đã đạt những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, chính trị ổn định, KT-XH phát triển, QPAN được củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, vị trí quốc tế và uy tín đất nước được nâng cao…

Ngày nay, dẫu trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách, song noi gương đồng chí Hà Huy Tập về học tập lý luận chính trị để vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết đưa ngọn cờ cách mạng Việt Nam tới đích cuối cùng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN nhất định thành công; mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh nhất định sẽ trở thành hiện thực.

 Theo Tuấn Hiển/baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc