Trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Quy định số 55-QĐ/TW
EmailPrintAa
16:56 26/12/2016

Sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, ngày 19/12/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
 

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (ảnh minh họa)

Nội dung của Quy định đã giải quyết những đòi hỏi thực tiễn, vấn đề mà nhân dân, dư luận quan tâm, bức xúc bấy lâu nay, thể hiện một sự đổi mới về nhận thức, cách làm, quyết tâm cao nhằm loại bỏ những khuyết điểm, xây dựng Đảng trong sạch hơn. Quy định nêu lên hai vấn đề nổi cộm hiện nay, đó là một số cơ quan, tổ chức, cá nhân lợi dụng các sự kiện như mít tinh, kỷ niệm, ngày truyền thống, luân chuyển công tác, ma chay, cưới hỏi… để “biếu xén”, đưa quà tặng, lễ vật với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Việc đón đoàn công tác cấp trên, tổ chức các đoàn công tác về cấp dưới một cách phô trương, hình thức, liên hoan ăn uống, tiệc tùng… Trên thực tế, tổ chức hội họp, tiếp khách hay liên hoan, tổng kết, tổ chức hiếu, hỉ… là công việc phổ biến của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là trong bối cảnh có sự giao lưu quan hệ mở rộng các hoạt động đối ngoại. Các địa phương, đơn vị, cá nhân triển khai các hoạt động này một cách tiết kiệm, có ý nghĩa, có kiểm soát không ảnh hưởng gì đến hoạt động của tập thể, cá nhân chắc chắn không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quy định. Song, có không ít cơ quan, đơn vị khi tổ chức các sự kiện, không kể quy mô cứ muốn làm thật “to”, thật “hoành tráng“, khai trương, kỷ niệm, đại hội, khánh thành phải có nhiều lẵng hoa chúc mừng. Khi tiếp khách phải có thảm đỏ, khẩu hiệu, “mâm cao, cổ đầy”…, thậm chí ngân sách không đủ thì tính bài “nợ” hoặc ứng trước nguồn từ việc khác để bù. Việc sử dụng xe công ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc của một số cá nhân chưa đúng quy định về quản lý xe công của Bộ Tài chính. Quan sát ở một số cơ quan, đơn vị, cùng dự họp, đi công tác tại một địa điểm nhưng vẫn còn tình trạng đồng chí cấp trưởng đi một xe, đồng chí cấp phó đi một xe…

Trên thực tế, những biểu hiện có liên quan đến những vấn đề này biến tướng theo nhiều dạng, phức tạp hơn, tinh vi hơn, khó nắm bắt hơn. Dù ít, dù nhiều, mức độ khác nhau song tất cả những cách thức này một phần phản ánh nếp sinh hoạt, lối sống của cán bộ, đảng viên, gây ra sự xa hoa, lãng phí, gây tốn kém cho ngân sách của Nhà nước, thời gian, tiền của nhân dân, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, tạo dư luận không tốt trong quần chúng… nếu không kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh sẽ dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

 Quy định cũng yêu cầu phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nêu gương người đứng đầu và phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Trong những giải pháp đó, theo tôi, việc nêu gương người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị cần phải đặt lên trên hết. Người đứng đầu phải tự chỉnh đốn những khuyết điểm, tồn tại, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tiếp dân trong cơ quan, đơn vị mình. Những việc cần làm ngay được nêu ra lần này xét cho kỹ cũng chính là những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính. Bố trí lại cán bộ đúng người đúng việc, chấn chỉnh lại nền nếp, tác phong làm việc nghiêm túc, đem lại hiệu quả thực chất từng vị trí công tác sẽ không còn chỗ cho việc biếu xén, quà cáp vì mục đích vụ lợi, chạy chức, chạy vị trí… Trách nhiệm của người đứng đầu phải được quy định rõ ràng đó là được phép xử lí đối với cán bộ cấp dưới và sẵn sàng nhận kỷ luật của cấp trên nếu để bản thân, tập thể, cán bộ cấp dưới của mình vi phạm, thông qua kênh báo của quần chúng nhân dân, phát hiện của các cơ quan báo chí và phản ánh của cán bộ, đảng viên về những nội dung liên quan đến Quy định.

Phan Hương (Huyện ủy Thạch Hà)


    Ý kiến bạn đọc