Xô viết Nghệ Tĩnh đỉnh cao của phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931
EmailPrintAa
11:25 10/09/2015

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/2/1930, là bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta. Với đường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn, Đảng đã trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Xô Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi phong trào đấu tranh của công nhân - nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930 - 1931. Trải qua 85 năm, nhìn lại phong trào Xô Viết chúng ta càng nhận thức rõ hơn ảnh hưởng của nó và những bài học kinh nghiệm đối với cách mạng Việt Nam.
 
Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc  

 

Nghệ An và Hà Tĩnh lúc bấy giờ đặt dưới sự áp bức bởi chế độ thực dân - phong kiến. Hà Tĩnh là một tỉnh thuần nông nghèo, không có công nghiệp. Nghệ An cũng là tỉnh nghèo nhưng có một số cơ sở công nghiệp. Tại ngã ba Vinh - Bến Thủy có nhà ga xe lửa, 01 nhà máy Điện, 01 nhà máy diêm, 05 nhà máy cưa, 02 xưởng sửa chữa ô tô và một số xưởng nhỏ, với khoảng 4.000 công nhân. Địa thế hai tỉnh nhiều rừng núi, đất đai cằn cỗi, thường xảy ra bão lụt. Do đó, nhân dân, nhất là nông dân khổ cực. Sự áp bức, bóc lột năng nề của thực dân Pháp như “giọt nước tràn ly”, thôi thúc nhân dân Nghệ Tĩnh đứng lên đấu tranh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, phong trào đấu tranh ở Nghệ An và Hà Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế lao động 01/5/1930. Công nhân nhà máy Diêm, Cưa - Bến Thủy cùng hàng ngàn nông dân các vùng lân cận thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh, Nghệ An) rầm rộ biểu tình thị uy, giương cao cờ đỏ búa liềm và các khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế, ban hành luật lao động, chống khủng bố chính trị. Thực dân Pháp đã xả súng vào đoàn biểu tình làm 7 người chết, 18 người bị thương và bắt hơn 100 người. Cũng trong ngày 01/5/1930, 3.000 nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) biểu tình, phá đồn điền Kí Viện, cắm cờ búa liềm trên nóc nhà, lấy ruộng đất chia cho nông dân. Thực dân Pháp đàn áp làm 18 người chết và 30 người bị thương. Ngày 01/8/1930, nổ ra tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc. Sau ngày 01/8/1930, nhiều vùng nông thôn Nghệ - Tĩnh đã nổ ra những cuộc đấu tranh trên quy mô lớn dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ của nông dân. Tiêu biểu như nông dân huyện Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An), Can Lộc (Hà Tĩnh)…

Ngày 12/9/1930, có khoảng 8.000 nông dân ở Hưng Nguyên (Nghệ An) kéo về phủ lị, giương các khẩu hiệu như: Bỏ sưu thuếBớt giờ làmChống khủng bố trắngBồi thường cho các gia đình bị tàn sát trong cuộc bạo động Yên Bái, Chia lại ruộng  đấtĐả đảo chủ nghĩa đế quốcĐả đảo phong kiến… Đoàn biểu tình dài hơn 1 km, kéo về thành phố Vinh, đi đầu là những người cầm cờ đỏ búa liềm, đi hai bên là đội viên tự vệ được trang bị dao, gậy. Trên đường đi, đoàn biểu tình có lúc dừng lại để diễn thuyết và chỉnh đốn đội ngũ. Dòng người càng đi càng được bổ sung thêm, khi đến gần Vinh con số đã lên tới 30.000 người và xếp hàng dài tới hơn 4 km. Trước khí thế hào hùng của nhân dân, thực dân Pháp đàn áp dã man, huy động cả máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết, 125 người bị thương. Ngày 12/9/1930 trở thành ngày truyền thống phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tuy vậy, sự đàn áp của kẻ thù không làm giảm ý chí đấu tranh của người dân Nghệ Tĩnh. Nhiều nơi, người biểu tình kéo về huyện lỵ, đập phá nhà lao, đốt phá huyện đường, bao vây đồn lính khố xanh làm cho hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến tan rã, lung lay ở nhiều huyện, xã. Nhiều lý trưởng, tri huyện đã bỏ trốn vì sức ép của nhân dân từ các cuộc biểu tình. Khí thế cách mạng lên cao, phong trào phá kho thóc, chiếm huyện đường rầm rộ, chính quyền Xô Viết hình thành ở các  thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu (Nghệ An),  Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê (Hà Tĩnh). Chính quyền Xô Viết thực hiện vai trò của một chính quyền mới thay cho bộ máy chính quyền của thực dânphong kiến đã bị tê liệt, tan rã. Xô Viết Nghệ Tĩnh được coi là một hình thức mới về cách thức tổ chức chính quyền nhà nước của nông dân và công nhân, chính quyền này được hình thành đầu tiên ở Nghệ An và Hà Tĩnh nên gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Chính quyền Xô viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời đòi yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức làm chủ của công nhân và nhân dân, cổ vũ phong trào đấu tranh chống Pháp. Sự lớn mạnh của phong trào làm cho thực dân Pháp lo sợ, thực hiện chính sách khủng bố, trấn áp phong trào một cách quyết liệt, dã man như triệt hạ làng mạc, bắn vào lực lượng nổi dậy… Đến giữa năm 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh dần lắng xuống, rồi thoái trào. Chính quyền công - nông non trẻ bộc lộ những hạn chế nhất định trong quản lý và tập hợp lực lượng, cuối cùng đi đến thất bại.

Mặc dù thất bại nhưng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã khẳng định là đỉnh cao của phong trào cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930 - 1931. Trong nửa đầu của năm 1930, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân diễn ra ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Đồng Nai, Thái Bình, Hà Nam…, nhưng tất cả chỉ như đốm lửa lóe sáng rồi vụt tắt. Chỉ có phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đập tan sự thống trị của thực dân chiếm lấy huyện đường xây dựng nên chính quyền của công  - nông đại diện cho nhân dân. Phong trào Xô Viết là một sự kiện lịch sử trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đã giáng một đòn chí tử vào bè lũ đế quốc và phong kiến tay sai, có sức lan tỏa trong phạm vi cả nước. Thực tiễn phong trào cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân, nông dân đoàn kết với các tầng lớp khác có khả năng lật đổ nền thống trị của đế quốc và phong kiến tay sai.

Phong trào 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đầu tiên của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, chuẩn bị cho sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Đó là bài học về vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng chính là kim chỉ nam cho hành động, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng. Sự lãnh đạo của Đảng khẳng định tính đúng đắn trong chiến lược và là ngọn cờ chiến thắng cho cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về xây dựng khối liên minh công nông. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng khẳng định vai trò và sức mạnh của khối liên minh công nông: Muốn chiến thắng được thực dân phải phát huy mọi lực lượng trong nhân dân, tập hợp mọi giai tầng trong xã hội, phải lôi kéo mọi tầng lớp đứng về phía mình nếu không lôi kéo được họ đứng về phía mình thì ít nhất phải để cho họ đứng trung lập không để họ đứng về thực dân - phong kiến. Đó là bài học về sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để giành chính quyền, bài học về xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.

85 năm đã đi qua, chúng ta tự hào ôn lại truyền thống phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh để tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, khẳng định vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử phong trào trong lịch sử đấu tranh, dựng nước, giữ nước của dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo về Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc, đề cao tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha, anh đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta.

Đặng Hữu Trình - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc