5 bài học từ loạt giao hữu trước thềm Euro
EmailPrintAa
10:09 29/05/2012

Điểm yếu trong việc bố trí nhân sự cũng như lối chơi của các đội tuyển tham dự Euro 2012 đã lộ ra phần nào sau loạt trận giao hữu cuối tuần qua.
Đội tuyển Anh nên gọi Michael Carrick
Trong trận đấu đầu tiên của Roy Hodgson trên cương vị huấn luyện viên tuyển Anh, dù chỉ phải gặp Nauy nhưng các cầu thủ ở hàng tiền vệ của Tam Sư đã bộc lộ quá nhiều điểm yếu. Gerrard chơi nhạt nhòa khi thường xuyên đánh mất vị trí, chuyền hỏng, dễ bị qua mặt và điểm nhấn duy nhất lại là pha vào bóng nguy hiểm khiến Tom Hogli bên phía Nauy chấn thương. Trong khi đó Parker dù chơi tròn vai với nhiệm vụ ngăn chặn các đợt tấn công từ xa nhưng ở cấp độ Euro, tuyển Anh mong chờ nhiều hơn nữa từ tiền vệ của Tottenham.
Hai tiền vệ trung tâm vào thay người sau đó là Barry và Henderson cũng không cho thấy được dấu hiệu tích cực nào. Đoàn quân của Hodgson thiếu đi một cầu thủ có thể cầm bóng và điều chỉnh nhịp độ trận đấu giống như Michael Carrick làm ở MU suốt mùa giải qua.
Thật khó hiểu khi một cầu thủ đóng vai trò hàng đầu ở tuyến giữa của MU lại không được triệu tập lần này. Có thể nói mùa giải vừa qua, Carrick là tiền vệ người Anh chơi ổn định nhất tại Premier League. Dù tiền vệ này chưa đạt được đẳng cấp như của Xavi nhưng nếu có Carrick, chắc chắn đội tuyển Anh sẽ chơi một cách thanh thoát và có nhịp độ hơn chứ không chỉ dựa vào tốc độ của các cầu thủ chạy cánh như hiện tại.
Bồ Đào Nha tiếp tục là “hổ không vuốt”
Rơi vào một bảng đấu tử thần với Đức, Hà Lan và Đan Mạch, rõ ràng Bồ Đào Nha phải chơi với 100% sức mạnh cũng như quyết tâm mới hy vọng vượt qua được vòng bảng. Thế nhưng sau trận đấu với Macedonia người ta lại phải ngán ngẩm với màn trình diễn của đội tuyển được mệnh danh là “Brazil của châu Âu”.
Trận hòa 0-0 ngay trên sân nhà với một đối thủ nhỏ bé như Macedonia một lần nữa chỉ ra điểm yếu suốt bao năm qua của Bồ Đào Nha là hàng tiền đạo. Đội bóng ở bán đảo Liberia có thể sở hữu những thiên tài kiến tạo cũng như những cầu thủ chạy cánh hàng đầu thế giới nhưng luôn thiếu một trung phong đích thực. Ronaldo là cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu hiện tại nhưng anh không thể một mình vừa dẫn bóng vừa ghi bàn. HLV Paulo Bento đang thực sự lo lắng bởi ông phải tìm một chân sút có thể chia sẻ gánh nặng với ngôi sao của Real lúc này.
Hà Lan vẫn cần lối chơi “phản bóng đá”

 HLV Van Marwijk cần suy nghĩ về việc dùng lại "bài cũ".

Huyền thoại Johan Cruyff đã gọi màn trình diễn của đội tuyển Hà Lan tại World Cup 2010 là “phản bóng đá”. Thế nhưng đây có thể là giải pháp tối ưu cho thầy trò Bert van Marwijk trên đất Ba Lan và Ukraina tới đây. Johan Cruyff có thể thấy xấu hổ vì cú kungfu vào ngực Xabi Alonso của Nigel de Jong trong trận chung kết World Cup 2010, nhưng chắc chắn ông còn xấu hổ hơn khi nhìn một Hà Lan mạnh mẽ thất bại 1-2 trước Bulgaria vào đêm thứ bảy.
Cú đánh đầu của Illiyan Mitsanski đã mang về một chiến thắng đầy bất ngờ cho đội tuyển Bulgaria ngay trên sân vận động Amsterdam. Nên nhớ đội bóng Đông Âu đã xếp bét bảng ở vòng loại Euro 2012 với 5 điểm sau 8 trận đấu. Trong khi đó Hà Lan đã thắng 9 trong 10 trận vòng loại, ghi tới 37 bàn. Tuy nhiên vấn đề lại nảy sinh trong quá trình chuẩn bị cho Euro 2012. Sau khi để thua Thụy Điển trong trận cuối cùng vòng loại, Hà Lan hòa không tỷ số với Thụy Sỹ trước khi bại trận 0-3 trước đội tuyển Đức. Cơn lốc màu da cam chỉ gỡ gạc lại danh dự khi có trận thắng sát nút 3-2 trước tuyển Anh.
HLV Van Marwijk ưa thích sơ đồ 4-2-3-1, nhưng phong độ của Klass-Jan Huntelaar lại là điều khiến ông phải đau đầu. Tiền đạo của Schalke dường như không thể phối hợp được với Robin van Persie trong sơ đồ này. Ở trận đấu gặp Bulgaria, bộ tứ Van Persie, Sneijder, Van der Vaart đã sát cánh với Huntelaar trên hàng công còn Mark van Bommel và De Jong đá ở vị trí phòng ngự từ xa. Kết quả hàng công Hà Lan bế tắc còn hàng thủ lại lộ ra sơ hở.
Van Marwijk có thể đổ lỗi cho Heitinga về bàn thua vào những phút cuối cùng của Bulgaria nhưng có lẽ ông đang nghĩ tới giải pháp an toàn là quay lại với lối chơi cách đây 2 năm.
Shane Long là sự lựa chọn lý tưởng cho hàng công của Ireland
Giovanni Trapattoni cần phải suy nghĩ thực sự nghiêm túc về việc lựa chọn hàng công cho Ireland sau trận đấu với Bosnia Herzegovina vừa qua.
Tiền đạo được ông ưa dùng là Kevin Doyle mới chỉ ghi đúng 3 bàn trong màu áo Wolver tại Premier League từ tháng 10 năm ngoái. Trong 3 tháng gần đây, Doyle hoàn toàn tịt ngòi. Nếu như không được sự ủng hộ của Trapattoni, tiền đạo sinh ở vùng Wexford này khó có thể giữ được một suất trong đội hình CH Ireland.
Ở trận đấu gặp Bosina, Kevin Doyle vẫn nỗ lực hoạt động không biết mệt mỏi như những gì anh từng thể hiện nhưng bàn thắng không đến với anh. Trong khi đó Shane Long chỉ vào sân trong khoảng 30 phút nhưng lại tỏ ra hiệu quả hơn khá nhiều so với Doyle. Tiền đạo của West Brom có pha di chuyển thông minh và đón bóng kịp thời để ghi bàn thắng thứ 7 sau 25 trận khoác áo đội tuyển Ireland. Không chỉ có vậy, Long suýt nữa nhân đôi tỷ số nếu như thủ thành Begovic không cản phá thành công pha dứt điểm của anh vào cuối trận.
Rõ rang khi phải đối mặt với những đối thủ quá mạnh như Tây Ban Nha, Italia hay Croatia ở vòng bảng, Ireland sẽ không có nhiều cơ hội để tấn công. Họ cần có một cầu thủ biết chớp thời cơ tốt như Shane Long thay vì Kevin Doyle đang tỏ ra vô duyên.
Đội tuyển Đức vẫn nằm dưới cái bóng của Bayern Munich

 Thất bại trước Thụy Sĩ phơi bày một đội tuyển Đức không Bayern.

HLV Joachim Loew đã đổ lỗi cho vấn đề thể lực sau khi đội tuyển Đức có thất bại khó tin 3-5 trước Thụy Sỹ. Nhưng phát biểu của Loew giống như một lời bào chữa cho những chỉ trích về việc Đức đang quá phụ thuộc vào những ngôi sao của Bayern.
Thiếu vắng 8 cầu thủ của Bayern Munich, “cỗ xe tăng” Đức trở nên rệu rã, đặc biệt là ở hệ thống phòng ngự. Per Mertesacker quá chậm chạp và thiếu sự liên kết với người đồng đội Mats Hummels. Trong khung gỗ, thủ thành 20 tuổi của Borussia Monchengladbach, Marc-Andre ter Stegen không đủ kinh nghiệm cũng như sự tỉnh táo cần thiết để chỉ huy hàng thủ trước những đợt tấn công từ Thụy Sĩ.
Nếu như Manuel Neuer, Philipp Lahm, Holger Badstuber và Jérôme Boateng có mặt trong đội hình xuất phát cùng Bastian Schweinsteiger chơi trong vai trò phòng ngự từ xa, sẽ rất khó để Thụy Sĩ có thể ghi nổi một bàn vào lưới đội tuyển Đức chứ chưa nói là năm bàn.


    Ý kiến bạn đọc