Trong gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, công nhân bị mất việc làm là một trong 7 đối tượng được thụ hưởng.
Khẩn trương, đúng đối tượng
Những ngày qua, thông tin Chính phủ dự kiến gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng bị tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19 khiến nhiều người trông ngóng. Trong 20 triệu đối tượng bị ảnh hưởng, có 5 triệu lao động tự do, hơn 2 triệu hộ nghèo; hơn 4,3 triệu là một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội và người có công, có những người hàng ngày lo ăn ba bữa cơm còn khó.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã nhanh chóng thông qua các gói chính sách về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhật Bản dành 1,8-2,7% ngân sách bổ sung để hỗ trợ người lao động, cho vay doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ tiền mặt cho người dân. Thái Lan dành gói 518 tỷ THB (3% GDP) để hỗ trợ, trong đó có hỗ trợ tiền mặt và cho vay đối với 3 triệu người lao động ngoài hệ thống an sinh xã hội. Gói tài khóa 6 tỷ MYR (0,4% GDP) của Ma-lai-xi-a cũng dành một phần miễn thuế tạm thời, hỗ trợ tiền mặt cho người dân... Thực tế cho thấy, các quốc gia thống nhất trong nội bộ rất nhanh và ở cấp cao nhất về các biện pháp hỗ trợ; phương pháp và cách thức hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ; chấp nhận vượt giới hạn quy định thông thường về kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020 vào ngày 1-4-2020 vừa qua, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã được đưa ra thảo luận, được các thành viên Chính phủ thống nhất, đánh giá cao. Quy mô hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội), dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm được thụ hưởng. Cụ thể:
Thứ nhất, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 1-4-2020 và không quá 3 tháng.
Thứ hai, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Thứ ba, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng
Thứ tư, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.
Thứ năm, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả 1 lần.
Thứ sáu, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả 1 lần.
Thứ bảy,
hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019 được hỗ trợ 250 nghìn đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả 1 lần.
Tiền hỗ trợ từ nguồn nào
Về nguồn vốn của gói 62 nghìn tỷ này, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương khoảng 22-23 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ sử dụng 19-20 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019 (tổng số khoảng 55,6 nghìn tỷ đồng). Số còn lại bố trí từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên (giảm chi hội họp, tổ chức lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước...) và các nguồn hợp pháp khác. Ngân sách địa phương chi khoảng 13-14 nghìn tỷ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách địa phương năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách địa phương năm 2020, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn hợp pháp khác.
Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 50% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 70% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 50% mức thực chi theo quy định đối với các địa phương chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 30% mức thực chi theo quy định đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.
Ngoài ra, Chính phủ hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đối với số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương); hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3 nghìn tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16 nghìn tỷ đồng).
Cách thức triển khai
Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường. Sau khi báo cáo được sự nhất trí của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ Trung ương tới địa phương sẽ lập Ban giám sát do người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban với sự tham gia của Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội và thành viên một số ngành tại địa phương.
Đối với việc cho doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương, doanh nghiệp đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động.
Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do) đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch COVID-19. Đây cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy, hỗ trợ từ kinh phí của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương. Người lao động tự do được hưởng chính sách hỗ trợ chủ yếu từ chính quyền cơ sở, phường xã nơi quê quán, song cũng có thể ở nơi lao động làm việc khi có xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại quê quán. Danh sách các đối tượng được thụ hưởng, do UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét và phê chuẩn danh sách, bảo đảm công khai, minh bạch; tổ dân phố, thôn xóm niêm yết công khai ở xã, phường. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, chủ tịch UBND các xã là người chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn; ở công ty, doanh nghiệp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện…) trong thời gian từ ngày 1-4-2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận UBND xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Quá trình triển khai thường xuyên kiểm tra, xử lý ở mức nghiêm minh nhất tất cả vi phạm theo quy định. Thế nhưng, việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng có nhiều điểm phải lưu ý. Việc hỗ trợ trực tiếp đối với những đối tượng cụ thể đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để bảo đảm công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay (giá dầu thô giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; thu từ các doanh nghiệp trong nước giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn...).
Phải quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng (như đối với người có công và lao động tự do... ) để không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Về mức hỗ trợ, cần rà soát, quy định cụ thể để người dân gặp khó khăn duy trì cuộc sống tối thiểu, bảo đảm công bằng, hợp lý giữa các nhóm đối tượng và tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.
Phải rà soát chặt chẽ quy định về các đối tượng thụ hưởng, tránh những kẽ hở gây phát sinh trục lợi chính sách; bảo đảm công bằng, tránh khiếu kiện của người dân; Chính phủ quy định cụ thể về thời hạn thực hiện, quy trình thủ tục thực hiện thuận tiện cho người dân, quy định chặt chẽ về kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách này.
Tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Với gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng từ Chính phủ, Việt Nam đã cho quốc tế thấy rõ chủ trương nhất quán trước sau như một này.
Nguồn: xaydungdang.org.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)