Bài 3:  “Kính gửi cụ Nguyễn Du”, một cách tiếp nhận Truyện Kiều
EmailPrintAa
10:51 18/11/2015

Từ khi ra đời đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã có nhiều cách tiếp nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi có người cho Truyện Kiều là sáng tạo thiên tài của Nguyễn Du thì một học giả Pháp ở thế kỷ trước lại cho rằng Truyện Kiều dịch hơn là phỏng dịch từ Kim Vân Kiều truyện. Cách tiếp nhận khác nhau có khi do động cơ chính trị như các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế trong cuộc chiến về Chính học cùng tà thuyết ở đầu thế kỷ thứ XX. Câu chữ Truyện Kiều không nhiều nếu không muốn nói là quy mô tác phẩm không đồ sộ. Nhưng số lượng bài viết về Truyện Kiều có thể nói là đồ sộ, điều đó chứng tỏ Truyện Kiều có thể tạo ra một thế giới tiếp nhận đa dạng, nhiều chiều. Không kể đến những công trình khảo cứu, bình luận, nghiên cứu bằng văn xuôi, riêng thơ ca đã có hơn 30 bài viết về Truyện Kiều, có bài vịnh về một nhân vật, có bài vịnh về chủ đề tư tưởng tác phẩm. Lại có bài chỉ nói đến một vài câu như một sự liên hệ (Phút giây, Bài ca Xuân 61 - Tố Hữu, Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên) và cũng rất nhiều bài viết về Truyện Kiều như Viếng mộ Nguyễn Du. Bài viết này chỉ tập trung phân tích cách tiếp nhận của Tố Hữu về Nguyễn Du, Truyện Kiều qua bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du.
 
Bìa ấn phẩm Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin  

Kính gửi cụ Nguyễn Du là bài thơ được Tố Hữu sáng tác nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh và UNESCO công nhận Đại thi hào là danh nhân văn hóa của nhân loại (Tháng 11/1965).

Kính gửi cụ Nguyễn Du như là một thông điệp của người hôm nay gửi tới người xưa và muốn cùng người xưa gửi tới mai sau. Vì thế tác giả mới trân trọng Kính gửi chứ không phải là kính viếng, kính thăm, kính vọng. Với từ Kính gửi, Tố Hữu không chỉ khẳng định Nguyễn Du là bề trên đáng kính mà còn như muốn khẳng định Nguyễn Du đang có mặt ở thế gian - Nguyễn Du bất tử như sự bất tử của Truyện Kiều.

Bài thơ không chỉ thể hiện tài năng của Tố Hữu trong việc tập Kiều, lẩy Kiều, mang âm hưởng của Truyện Kiều mà còn bộc lộ một cách đồng cảm kính trọng của một nhà thơ hôm nay đối với Đại thi hào trong quá khứ.

Trước hết, Tố Hữu tìm thấy sự tương đồng trên nhiều phương diện giữa số phận nhân vật với cuộc đời tác giả. Bài thơ được mở đầu :

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân

Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều.

 Nhớthương không phải là một nhưng chúng lại liên quan với nhau. Có thương thì mới nhớ và vì nhớ nên thương. Truyện Kiều không phải là tự truyện nhưng khi miêu tả cuộc đời Kiều trong xã hội phong kiến thối nát thì ta bắt gặp được tâm sự, nỗi niềm, số phận của Kiều giống như rất nhiều điểm giống với Nguyễn Du của thời Lê mạt - Nguyễn sơ. Cả hai đều bơ vơ giữa Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao (Kiều khi bị Sở khanh lừa: Một mình khôn biết làm sao, Dặm rừng bước thấp bước cao hãi hùng hay khi trốn khỏi nhà Hoạn Thư: Trời Tây vừa rạng ngàn dâu, Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà). Kiều ngổn ngang bên nghĩa bên tình: tình với Kim Trọng, nghĩa với mẹ cha. Nguyễn Du cũng đau đớn, đầy mâu thuẫn trước sự lựa chọn giữa dòng đời trong - đục: Giữa dòng trong đục cánh bèo lênh đênh. Cả Nguyễn Du lẫn Kiều đều là những tài hoa, đều là kết tinh của nhiều giá trị nhưng đều phải chấp nhận bi kịch xót xa. Nguyễn Du ngơ ngác trước cuộc khởi nghĩa Tây Sơn; Kiều lại bàng hoàng khi đến với Từ Hải và sau đó lại rơi vào đoạn trường bi thương. Nhưng có lẽ phần hay nhất của bài thơ chính là mấy câu Tố Hữu giành để tôn vinh giá trị Truyện Kiều:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời nghìn thu

Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Truyện Kiều là tiếng kêu đứt ruột, tiếng kêu làm náo động cả không gian vũ trụ trước Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lời Truyện Kiều đã trở thành lời non nước. Tiếng thơ Kiều đã trở thành Tiếng thương và sau là Tiếng ru. Tiếng thương, Tiếng ru là yếu tố quyết định làm nên giá trị nhân đạo cao cả của Truyện Kiều. Chiều rộng của Tiếng thương độ sâu của Tiếng ru đã làm nên giá trị của Tiếng thơ. Truyện KiềuTiếng thơ của một trái tim lớn của Một tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, của Đôi mắt nhìn thấu sáu cõi của một Tấm lòng thơ với tình đời thiết tha. Có lẽ đó cũng là lý do chính để người đọc bao thế hệ tôn vinh Truyện Kiều và kính trọng Nguyễn Du.

Tiếp nhận văn học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý nhận thức, cảm thụ xu thế lịch sử thời đại và quan trọng hơn là cái nhìn của chủ thể tiếp nhận. Ngày nay ta có thể chia sẻ với cách cảm, cách nghĩ của cả Tản Đà, Ngô Đức Kế, Phạm Quỳnh hay các nhà nho bảo thủ của thế hệ trước. Nhưng yếu tố quyết định làm nên mọi sự tiếp nhận phong phú vô biên, trước hết là phải nhờ vào tính phức hợp đa nghĩa của tác phẩm. Sự tiếp nhận càng nhiều và không giới hạn càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tác phẩm. Bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du theo cách nghĩ của nhiều người là một trong những sự tôn vinh thỏa đáng về Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.

Lê Đình Tuấn - P.Thạch Linh, TP.Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc