Trên đất nước thân yêu của chúng ta, từng tấc đất đều mang dấu tích của bom đạn, nơi nào cũng thấm máu cha ông. Cả dân tộc là một trang sử vĩ đại, còn trong mỗi gia đình, cùng với niềm tự hào luôn có một khoảng lặng. Lớp lớp cha ông-người đã ngã vào lòng đất Mẹ, người để lại phần thân thể, xương máu nơi chiến trường khốc liệt, để rồi mang thương tật đau đớn suốt quãng đời còn lại. Sự hy sinh vĩ đại ấy để đất nước được độc lập, tự do, người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc.
Điều dưỡng viên chăm sóc các thương binh nặng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: qdnd.vn.
Tri ân người có công với cách mạng trở thành đạo lý của dân tộc Việt Nam. Việc làm ấy, dù ít hay nhiều đều quý trọng, bởi dù có nhiều bao nhiêu thì cũng chẳng bao giờ đủ được. Không có sách bút nào tôn vinh hết chiến công của những người đã ngã xuống; chẳng có tiền bạc nào khỏa lấp được những đau khổ, mất mát của người đã hy sinh, đã để lại một phần thân thể của mình trên chiến trường khốc liệt. Đâu đó, vẫn có vài tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc lịch sử chính nghĩa của dân tộc, phủ nhận công lao, xương máu của cha ông. Với lẽ sống của con người, đó là một sự phản bội, một sự vô ơn, tráo trở.
Hơn 45 năm, đất nước hòa bình, độc lập. Vẫn còn đó, hàng vạn thương binh, bệnh binh đang hằng ngày phải chịu đau đớn bởi những mảnh bom, mảnh đạn nằm trong thân thể. Vẫn còn đó những người mẹ, người vợ mãi mãi mất con, mất chồng, nỗi đau không gì bù đắp. Vẫn còn đó, hàng vạn cựu thanh niên xung phong, đã để lại cả tuổi xuân mười tám, đôi mươi nơi chiến trường khốc liệt. Và đau xót hơn, hàng triệu con người, giờ đã là thế hệ thứ thứ 3, thứ 4 bị ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam/dioxin đang phải vật lộn với sức khỏe và sự khó khăn trong cuộc sống.
Sẽ là rất có lỗi nếu ai đó, đâu đó chưa quan tâm, có những việc làm chưa tốt với thế hệ người đã khuất, người đi trước. Tất nhiên, ai cũng cảm thông, thấu hiểu, đất nước còn những khó khăn, thiếu thốn, nên có việc dù rất muốn nhưng chúng ta chưa làm được. Trên cả nước, còn nhiều ngôi nhà của gia đình người có công chưa được khang trang, sạch đẹp. Những câu chuyện về làm sai chế độ, chính sách, cắt xén tiêu chuẩn của người có công đâu đó vẫn còn. Để xảy ra điều đó, dư luận lên án một thì xã hội xót xa mười.
Còn nhiều phần việc mà thế hệ hôm nay phải làm. Trước mắt là tiếp tục làm tốt hoạt động tri ân từ những việc cụ thể, từ việc chung tay xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà, giúp đỡ gia đình người có công... đến những chính sách vĩ mô như: Tạo việc làm, trợ cấp hằng tháng, xây dựng chính sách ưu đãi đối với thân nhân người có công. Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến vấn đề này, nhưng chúng ta cần làm tốt hơn nữa.
Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời vẫn là một dân tộc trọng nghĩa, trọng tình. Bởi thế, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của người Việt là vốn quý. Đất nước hôm nay, những người đang được hưởng hòa bình, ấm no, hạnh phúc luôn biết ơn thế hệ đi trước. Bởi thế, không bao giờ được quên lịch sử, quên công lao của cha ông, ấy là lẽ sống.
Nguồn: Nguyễn Tuấn/qdnd.vn
( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/biet-on-qua-khu-629108 )
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)