Bóng đá Việt loay hoay tìm lối thoát
EmailPrintAa
08:47 12/12/2012

Đề xuất của Công ty cổ phần Bóng đá VN (VPF) về việc đưa đội tuyển U-22 dự V-League 2013 đã bị dư luận các nhà chuyên môn và báo chí phản ứng mạnh. Và càng tìm hiểu mới thấy bóng đá Việt ngày càng rối.

Có quá nhiều sự bất ổn trong đề xuất của VPF về chuyện đội U-22 dự V-League 2013. Ví dụ, nếu chuyện này thành hiện thực thì đi ngược lại xu hướng phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, khi khơi khơi đi “quốc hữu hóa” sản phẩm của các CLB đã dày công đào tạo. Rồi nếu đội U-22 vô địch thì có dự AFC Cup không? Mấy chục tỉ đồng nuôi đội U-22 lấy từ đâu, lương cầu thủ thế nào...?

Rối

Ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch HĐQT VPF - thừa nhận đây là một vấn đề phức tạp, và ông khẳng định: “Đây chỉ mới là đề xuất để mọi người góp ý”.

Theo ông Thắng, khi chốt lại danh sách tham dự V-League 2013 chỉ có 11 đội, đã có nhiều ý kiến được đưa ra. Nào là đôn đội Đồng Tháp (áp chót V-League mùa rồi) lên, nào là cứ đá 11 đội..., nhưng phương án nào cũng có điểm ưu lẫn khuyết. Cuối cùng, nhận thức từ việc bóng đá VN đang khát khao thành công ở SEA Games, nên đã có ý kiến đề xuất sao không đưa U-22 tham dự để xem V-League là một cơ hội rèn luyện tốt cho đội bóng mà sang năm sẽ dự SEA Games.

Sau khi đề xuất này được đưa ra, cũng có những ý kiến phản biện như mấy ngày gần đây dư luận đã nói. Và để giải quyết, từng câu hỏi một đã được trả lời, như kinh phí cho U-22 thì VPF sẽ hỗ trợ 10 tỉ đồng. Để không làm thiệt hại quyền lợi của các đội có cầu thủ cung cấp cho U-22 thì V-League 2013 sẽ không có đội xuống hạng...

Nhưng, một giải vô địch quốc gia mà không có đội rớt hạng thì còn gì hấp dẫn? Chưa kể, cách gom quân của các đội lại để tập trung lâu dài làm nhiệm vụ quốc gia là cách làm cũ kỹ, lạc hậu, bất thường.

Phải chấp nhận thương đau

Tại sao không cứ chơi như bình thường, có 11 đội thì đá 11 đội. Mỗi lượt trận có năm trận đấu, một đội nghỉ. Sẽ không có bất công nào cả khi lịch nghỉ luân phiên ấy được bốc thăm đàng hoàng.

Tại sao không tính đến phương án giảm số đội dự V-League và hạng nhất còn 10 đội/giải cho phù hợp với thực lực bóng đá VN hiện tại. Khi đó V-League 2013 sẽ có một đội xuống hạng nhất, và hạng nhất 2013 có bốn đội xuống hạng nhì.

Đồng thời, kể từ mùa bóng 2014 sẽ không cần thuê mướn cầu thủ ngoại, giúp các đội bóng giảm chi phí đáng kể, phù hợp thời kinh tế khó khăn. Thật ra, 20 đội dự V-League và hạng nhất cần khoảng 600 cầu thủ (30 cầu thủ/đội), đó cũng là con số khá lớn trong bối cảnh bóng đá đang khủng hoảng tài năng. Bên cạnh đó, cần kiên quyết áp dụng quy định: đội bóng nào không có tuyến trẻ U-17 thì làm ơn ra khỏi sân chơi bóng đá chuyên nghiệp.

Trước hàng loạt vấn đề mà chúng tôi đưa ra, ông Thắng thừa nhận một điều gây sốc: “Xin nói thẳng là trong bối cảnh hiện tại mà làm gắt gao quá, không khéo lại có thêm nhiều người rời bỏ bóng đá”.

Đó là một sự thật đau lòng. Giờ đây mới thấy rõ bóng đá VN là một chỗ mà nhiều đại gia khi rủng rỉnh tiền bạc thì nhảy vào múa may, nay cạn túi thì họ đua nhau tháo chạy, để lại một di sản tan hoang. Nhiều đại gia làm bóng đá giờ chẳng khác nào “Chí Phèo”, hở tí là tuyên bố rút khỏi bóng đá! Đau một nỗi khi họ rời bỏ thì tài sản để lại là một sự khủng hoảng nặng nề, dẫn đến việc chẳng còn ai muốn góp vốn làm bóng đá. Cụ thể như trường hợp của Khatoco Khánh Hòa.

Đã đến lúc VFF và VPF phải chấp nhận thương đau, học theo lời khuyên của những người điều hành J-League (bóng đá nhà nghề Nhật Bản), đó là đừng dựa vào một cột trụ duy nhất là đại gia!


    Ý kiến bạn đọc