Bóng đá Việt Nam: Không thể cứ mãi là bài ca trông chờ
EmailPrintAa
09:04 14/05/2012

Bóng đá luôn mang theo những giá trị thể thao, và đó là những giá trị cao cả. Bóng đá có những tác động đặc biệt với cả xã hội, về mặt tinh thần, và cả về mặt vật chất.

Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta có bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá có thể xuất hiện trong tư cách một loại hàng hóa đặc biệt, liên quan đến nhiều loại hình và phương pháp kinh doanh, tạo nên một sức mạnh mới, đòi hỏi những nỗ lực mới.

Nói đến hàng hóa, nói đến kinh doanh, là nói đến mua và bán. Mua bán tấp nập, đôi khi ầm ĩ một chút, nhưng quan trọng là lành mạnh và có hiệu quả. Đấy là một dấu ấn để nói rằng, món hàng bóng đá mà ta đề cập tới ở đây là thực sự có giá trị. Chúng ta biết cái vất vả của các nhà đài khi tất tả ngược xuôi để mua về bản quyền cho các giải bóng đá lớn, như World Cup, như EURO, như Premiere League, La Liga, Bundesliga...

Bóng đá Việt Nam chưa có được những giá trị ấy, nhưng muốn tiến lên chuyên nghiệp thì phải thực sự đi theo những định hướng ấy. Trong một nền bóng đá mà cầu thủ thì tiêu tiền tỷ, nhưng các CLB lại sống nhờ vào lòng hảo tâm hay sự nhiệt huyết phi kinh tế của các ông bầu, còn cả giải thì phải trông chờ vào sự bảo trợ của một loạt đại gia thì thật là buồn.

Đồng tiền trong bóng đá phải có sức sống thực sự, phải có tác dụng tích cực mang tính động lực và có ý nghĩa giáo dục, đồng thời lại là một cách mà bóng đá đóng góp cụ thể cho xã hội. Mỗi giải quốc gia đều có những đặc thù riêng, nhưng những vấn đề khi bàn đến kinh doanh bóng đá thì vẫn có nhiều điểm chung: Bán bản quyền truyền hình, bán bảng quảng cáo, bán vé vào cửa, bán cầu thủ, bán đồ lưu niệm, bán đồ ăn thức uống quanh sân... Suy cho cùng, bóng đá cũng giống như các ngành kinh doanh khác, có giấy phép, có bán có mua, có giao dịch và có hợp đồng, có nộp thuế rồi chia lãi. Chỉ khi nào đồng tiền là suôn sẻ, dòng chảy tài chính là thông suốt, thì mới có thể nghĩ tới bóng đá đỉnh cao một cách bền vững.

Bundesliga là một giải vô địch quốc gia bền vững, dựa trên một nền tảng tài chính chắc chắn. Ngay cả khi tính toán bằng đồng Euro, báo chí vẫn nói rằng bóng đá Đức là một món hàng hóa trị giá bạc tỷ. Liên tục trong cả mười năm trở lại đây, doanh số của Bundesliga tăng mỗi năm cỡ 10 %.

Trong tổng số hơn 1,9 tỷ Euro của mùa bóng 2010-2011, phần đóng góp của bản quyền truyền hình tuy là lớn (519.629.000 Euro - chiếm 26,76 %) nhưng vẫn còn thua tiền bán quảng cáo được tiến hành một cách độc lập (522.699.000 - 26,92 %). Đã có lúc, tỷ lệ tiền bán vé vào sân bị tụt xuống, nhưng hiện nay con số này đã quay trở lại (411.164.000 Euro - 21,17 %). Những khoản thu khác thuộc về mua bán cầu thủ (10,07%), buôn bán (4,08 %) và những thứ khác (11,00 %).

Bundesliga tự hào có con số nợ ít nhất trong các nền bóng đá lớn, và riêng năm 2010-2011, số lãi ròng sau thuế đạt được 52,5 triệu Euro. Chúng ta thấy một thực tế: Trong khi huấn luyện viên và cầu thủ thi đấu miệt mài trên sân, khán giả hò reo trên các khán đài hay trước màn ảnh truyền hình, thì các nhà kinh doanh bóng đá cũng mải miết bấm máy tính kiểm tra từng đồng bạc. Không có những đồng bạc ấy thì không thể có bóng đá chuyên nghiệp.

Đồng tiền bóng đá làm ra không chỉ riêng bóng đá được hưởng. Các CLB phải có lãi, đài truyền hình phải có lãi, các công ty quảng cáo thu lãi, các doanh nghiệp bán hàng thu lãi, rồi cuối cùng cả cộng đồng cùng được hưởng lợi. Người ta nói bóng đá đã trở thành một nhân tố kinh tế, và trong tư cách hàng hóa, bóng đá là một sản phẩm có hiệu quả cộng đồng. Theo đánh giá của công ty tư vấn doanh nghiệp Mc Kinsey, bóng đá chuyên nghiệp Đức mỗi năm đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế Đức 5,1 tỷ Euro. Cụ thể hơn, 36 CLB bóng đá chuyên nghiệp thuộc Bundesliga hạng I và hạng II trong mùa bóng 2010-2011 nộp tổng cộng 719 triệu Euro tiền thuế, trong đó đứng đầu là thuế thu nhập của cầu thủ (375 triệu) và đứng thứ hai là thuế doanh thu (183 triệu).

Bundesliga tự hào tuyên bố rằng, 100 Euro sinh ra từ bóng đá chuyên nghiệp sẽ kéo theo 240 Euro sinh ra trong cả nền kinh tế. Không phải nhà chuyên môn, chúng ta cũng có thể hình dung nhiều dịch vụ kèm theo của bóng đá: Các hãng trang bị dụng cụ thể thao, hệ thống nhà hàng - khách sạn - doang nghiệp hậu cần, các công ty tiếp thị và quảng cáo, các hãng truyền thông... Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, bóng đá không đứng riêng một mình: Nó phục vụ cho cả xã hội trong mối liên kết chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau.

Chúng ta cũng biết, trong một xã hội như ở Đức, chỉ số thất nghiệp là một tiêu chí trung tâm đánh giá sức mạnh của cả nền kinh tế. Với bóng đá chuyên nghiệp, Đức tạo ra 110.000 công ăn việc làm. Trong các CLB và các công ty con trực thuộc, hiện có 14.000 nhân viên làm việc. Ngoài ra là công việc trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan: 11.000 người trong ngành ăn uống, 10.000 trong lĩnh vực an ninh... Bóng đá có ý nghĩa ngay cả trong khía cạnh an sinh xã hội.

Bóng đá Đức ở khoảng cách rất xa so với bóng đá Việt Nam. Nhưng có lẽ những con số thuộc Bundesliga cũng cho chúng ta một cơ sở, một điểm tựa để nghĩ về cái đích, nghĩ về con đường của bóng đá chuyên nghiệp trên đất nước ta. Bóng đá phải tự làm ra tiền, cùng với các ngành khác làm ra tiền, và từ đó trở thành một yếu tố tích cực của nền kinh tế. Chứ bóng đá không thể cứ mãi mãi là một bài ca về sự trông chờ.

    Ý kiến bạn đọc