Bóng đá Việt Nam và nỗi buồn bảo trợ
EmailPrintAa
08:07 28/01/2013

Khủng hoảng kinh tế, chất lượng các giải đấu, hình ảnh BĐVN xấu đi trong mắt người hâm mộ, đó là lý do khiến các nhà tài trợ đang quay lưng với BĐVN.

Phát biểu trên báo TT&VH số 26 ra ngày 26/1/2013, ông Phạm Phú Hoà, Phó TGĐ VPF, thẳng thắn bộc bạch: “Kể từ ngày bầu Kiên gặp chuyện như tất cả đã biết, công việc trở nên nặng nề hơn rất nhiều với cá nhân tôi. Nhưng tôi may mắn vẫn có được sự ủng hộ của anh Dũng (ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Eximbank, nhà tài trợ chính thức cho V-League 2013, Phó Chủ tịch VFF và VPF- PV), bởi nếu không có anh ấy, có thể mùa giải 2013 sẽ phải tạm hoãn. Vì tài chính khó khăn, nên chúng tôi mới phải điều chỉnh các mức thưởng cho danh hiệu ở mùa giải năm nay. Tôi mong muốn được mọi người hiểu, chia sẻ và giúp đỡ nếu có thể, để VPF hoàn thành lộ trình vạch ra”.

Thực ra chẳng cần ông Hoà nói ra thì tất cả cũng đều biết nếu không phải ông Dũng hiện đang ngồi ghế Phó Chủ tịch VFF và VPF thì cũng khó có chuyện Eximbank tài trợ tới 47,3 tỷ đồng cho 3 giải đấu chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam ở mùa giải 2013 là V-League, giải hạng Nhất và Cúp QG.

Tất nhiên việc Eximbank chấp nhận tài trợ cho V-League trong 3 mùa giải gần đây và năm nay thì ôm trọn cả giải hạng Nhất lẫn Cúp QG chắc chắn phải là quyết sách của cả tập thể bộ máy lãnh đạo Eximbank chứ không chỉ xuất phát từ ý chí của cá nhân ông Dũng, nhưng dù thế nào nếu thiếu vắng sự ủng hộ của ông Dũng thì VFF và VPF có trổ tài thuyết phục đến cỡ nào cũng khó lòng lấy được tiền tài trợ từ Eximbank.

Còn nhớ năm ngoái, khi khởi xướng cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với VFF và AVG, bầu Kiên từng đưa ra những lời hứa hẹn có cánh về tương lai hứa hẹn cho bóng đá Việt Nam, và để chứng minh trọng lượng lời nói của mình, ngay sau khi được AVG nhường lại hợp đồng, bầu Kiên đã thông báo về sự ra đời của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên nghìn tỷ mỗi năm, mà mỗi doanh nghiệp có tên trong Hội đồng này sẽ tài trợ 5 tỷ cho bóng đá Việt Nam trong năm 2012, và con số này dự kiến sẽ được luỹ tiến thành 7,5 tỷ đồng/doanh nghiệp vào năm 2013 và 10 tỷ đồng/doanh nghiệp ở năm 2014.

Lúc ấy, lời hứa và hành động của bầu Kiên khiến không ít người đã mơ tưởng về một tương lai chan chứa hy vọng cho bóng đá Việt Nam, mà hiếm ai nhận thấy rằng bản thân từ “bảo trợ” cũng đã có vấn đề. Theo từ điển tiếng Việt thì “bảo trợ” có nghĩa là “đỡ đầu và giúp đỡ (cho tổ chức hoặc cá nhân có khó khăn về vật chất trong hoạt động)”, và khái niệm này khiến người ta liên tưởng tới một quan hệ không bình đẳng, khi bên cho ở tư thế cao hơn và chủ động hơn so với bên nhận.

Điều này có nghĩa là việc các doanh nghiệp “đại gia” chấp nhận bỏ tiền ra tài trợ cho bóng đá Việt Nam chủ yếu xuất phát từ quan hệ cá nhân với bầu Kiên, còn tự thân bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sức hấp dẫn đến độ buộc các ông chủ doanh nghiệp phải tự tìm đến và đề nghị hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Vì thế, chẳng ai ngạc nhiên trước việc sau khi bầu Kiên bị bắt thì Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam đã biến mất nhanh chóng giống như lúc nó xuất hiện, và ở mùa giải năm nay Hội đồng này chỉ còn sót lại duy nhất một doanh nghiệp là HA.GL của bầu Đức, được bổ sung thêm Đồng Tâm của bầu Thắng và sắp tới có thể là Minghua, một doanh nghiệp có xuất xứ từ Đài Loan và từ trước tới nay hầu như chưa tham gia tài trợ cho đội bóng V-League hay hạng Nhất nào. Tóm lại thì những doanh nhân như ông Dũng, bầu Đức hay bầu Thắng vẫn có vai trò quá quan trọng với bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB, và không thể tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra với mùa giải 2013 nếu như không có sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả của họ.

Trong xã hội nói chung và lĩnh vực bóng đá nói riêng, việc một tập thể hay cá nhân quá phụ thuộc vào tập thể hoặc cá nhân khác chưa bao giờ được chào đón hoan nghênh, bởi ai cũng biết điều đó sẽ mang lại những rủi ro cỡ nào, nhưng với bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại thì không còn lựa chọn nào khác, vì bây giờ tìm được người để phụ thuộc có khi còn được coi là may mắn và hạnh phúc, bằng không thì nguy cơ giải tán hoặc chết lâm sàng sẽ ập tới ngay trước mặt, như trường hợp của hàng loạt đội bóng ở thời gian vừa qua như Trẻ SHB.ĐN, XSKT.LĐ, CLB BĐ Hà Nội, Trẻ Hà Nội hay N.SG…

Không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới đạt được sự hấp dẫn và thu hút để lôi kéo các doanh nghiệp chủ động tìm đến chào mời hợp tác đầu tư, thay vì năm này qua năm khác đều phải chờ được “bảo trợ” một cách thụ động như bây giờ.


    Ý kiến bạn đọc