Bớt họp mà việc vẫn trôi
EmailPrintAa
16:16 15/04/2020

Tất cả bộ, ngành đã dừng các cuộc họp trực tiếp để chuyển sang họp trực tuyến. Các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết đã bị hủy. Ngoài ý nghĩa giúp bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công chức, việc họp trực tuyến và giảm đi nước ngoài đã tiết kiệm một khoản cỡ nghìn tỷ đồng được dành trực tiếp cho các hoạt động chống dịch Covid-19.

Với nền tảng công nghệ thông tin của chúng ta hiện nay, chất lượng các cuộc họp trực tuyến là tốt. Hình ảnh có chất lượng cao, kết nối được nhiều điểm cùng lúc, sự tương tác thời gian thực khiến không khí sinh động không thua kém gì như đang ngồi cạnh nhau để bàn việc. Cái lợi trước mắt là đối phó với dịch bệnh, nhưng về lâu dài, cần duy trì cách làm tiết kiệm này. Bởi, họp trực tuyến đã chứng minh tính hiệu quả khi vừa giúp giảm thời gian hội họp, giảm được nhiều loại chi phí mà chất lượng công việc vẫn bảo đảm, thậm chí còn tăng lên. Tăng cường các cuộc họp trực tuyến còn gián tiếp giúp giảm biên chế khi giảm hoạt động đưa đón bằng xe công; hạn chế số người phục vụ tại các hội trường. Lãnh đạo của nhiều bộ, ngành thừa nhận, việc chuyển từ hình thức họp tập trung sang họp trực tuyến không hề gặp khó khăn, ngược lại, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian làm việc.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Trong bối cảnh làm ra thì ít, chi tiêu lại nhiều, việc tiết kiệm chi là vô cùng quý. Nhưng điều quý hơn, cái lợi lớn hơn là chúng ta đang xây dựng một thói quen mới, thói quen làm việc trực tuyến. Bây giờ, người già có thể nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ qua bưu điện; làm thủ tục nhà đất, giấy tờ xe, cấp tờ khai bảo hiểm y tế, đóng các loại tiền điện, tiền nước, học phí, lệ phí... không cần phải tới trụ sở công quyền. Ít ngày nữa thôi, khi toàn dân kết nối trọn vẹn với Chính phủ điện tử, con số tiết kiệm không dừng ở vài trăm tỷ...

Tất nhiên, không phải bây giờ chúng ta mới tiết kiệm. Nhiều năm qua, chúng ta đã tiết kiệm. Những việc không cần thiết đã bị cắt chi, như: Cắt giảm 100% tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình; thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm... Nhưng tiết kiệm không có nghĩa chặn lại cánh cửa chi tiêu có ích, làm việc có lợi. Các chuyến công tác nước ngoài của cán bộ mà thật sự cần thiết, thật sự mang lại hiệu quả vẫn được chúng ta khuyến khích và chúng ta không tiếc tiền. Chỉ có điều, phải ngăn chặn, giám sát thật kỹ những cán bộ, công chức lợi dụng danh nghĩa "khảo sát, học tập kinh nghiệm" hay "tu nghiệp" ngắn, dài hạn trá hình mà "đi nước ngoài như đi chợ"... tiêu tiền công quỹ, làm mất hình ảnh cán bộ, đảng viên cả ở Việt Nam và nước ngoài.

Vì thế, không phải trong thời điểm dịch Covid-19 chúng ta mới cần siết chặt các chuyến công tác nước ngoài, tăng họp trực tuyến, mà phải thấy đây là nhu cầu bức thiết của chính chúng ta. Phải biết biến những biện pháp tình thế thành thói quen khoa học, được duy trì đều đặn, không "đánh trống bỏ dùi". Càng ở cơ quan cấp cao càng cần thực thi nghiêm chỉnh, gương mẫu để cả xã hội học tập, làm theo. Người dân khi thấy được cái lợi, sự tiện ích cũng sẽ tự giác tuân thủ. Giảm hội họp, ít đi công tác mà hiệu quả công việc vẫn tốt là cách làm việc khoa học, tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức; giúp tăng tính minh bạch, công khai; góp phần thiết thực chống tham ô, lãng phí; từng bước hình thành nét đẹp mới về văn hóa công vụ, văn hóa công sở.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc