Bước tiến lớn của thể thao Việt Nam
EmailPrintAa
15:44 04/09/2018

Có thể khẳng định với thành tích 4 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng, xếp thứ 17 chung cuộc và đặc biệt là hạng 4 môn bóng đá Olympic nam đã cho thấy bước chuyển mình tích cực của thể thao nước nhà ở ASIAD 18.

Những ấn tượng khó quên

Chiếc Huy chương Vàng (HCV) nhảy xa của Thu Thảo như một kỳ tích đáng nhớ, bởi điền kinh và bơi lội là hai môn thể thao cơ bản, gắn liền với cuộc sống vận động thường ngày của con người nên bất cứ quốc gia nào cũng có người tập luyện hai môn thể thao này. Hy vọng thành tích của Thu Thảo ở ASIAD lần này sẽ là tấm gương, động lực để các thế hệ vận động viên (VĐV) kế tiếp phấn đấu, có thêm nhiều Thu Thảo trong các nội dung thi đấu khác nhau.

Chiếc HCV của bộ môn Rowing thuyền nhẹ nữ 4 tay chèo (Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo) thể hiện tinh thần vượt khó, bởi đây là môn thể thao du nhập vào nước ta chưa lâu, điều kiện tập luyện hạn chế, chuyên gia huấn luyện lại làm việc tự nguyện không lương. Hai chiếc HCV của Nguyễn Văn Trí (hạng 90-95kg) và Trần Đình Nam (70-75kg) bộ môn silat giúp đoàn thể thao hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường. Điều cần nói thêm, ở ASIAD 18 có 16 chiếc HCV silat thì nước chủ nhà Indonesia giành tới 14 chiếc. Vì thế, hai chiếc HCV môn silat mà đoàn thể thao nước ta giành được càng quý giá hơn.

Hàng chục vạn người hâm mộ tham gia Lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh 4 chiếc HCV, những chiếc Huy chương Bạc (HCB) mà theo chúng tôi là rất đáng nói, như HCB bơi 1.500 mét tự do của Huy Hoàng. Anh chỉ thua vận động viên tầm thế giới Sun Yang (Trung Quốc) và vượt qua một kình ngư nổi tiếng khác của Trung Quốc, hai kình ngư của Nhật Bản; hay chiếc HCB của Quách Thị Lan trên đường chạy 400 mét nữ... Đó là những tấm huy chương thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của thể thao nước nhà.

"Ngày mới" của bóng đá

Lứa cầu thủ: Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Đức Thắng, Việt Hoàng... được xem là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Song lúc ấy, bóng đá Việt Nam chỉ mới lấy đấu trường Đông Nam Á làm thước đo, nên người hâm mộ đâu dám nghĩ tới những trận đấu với các đối thủ hàng đầu châu lục. Việc đội tuyển U.23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân châu Á tại Trung Quốc hồi đầu năm 2018 và đội Olympic thi đấu ngang ngửa với các đội bóng mạnh nhất châu Á, đoạt hạng tư tại ASIAD 18 chứng tỏ bước tiến vượt bậc của bóng đá nước nhà. Cũng cần khẳng định, kết quả trên không chỉ có được trong một trận đấu hay trong một sớm một chiều, mà được xây dựng, vun đắp trong nhiều năm. Các lò đào tạo: Hoàng Anh Gia Lai, VFF, Viettel, Hà Nội, Sông Lam Nghệ An... đã biết "xây nhà từ móng". Vì thế, các lứa "U" của nước ta bước ra các sân chơi lớn không còn bị choáng ngợp; lứa U.19, U.21 thường xuyên được cọ xát quốc tế nên có rất nhiều kinh nghiệm, tâm lý thi đấu ổn định và hay nhất là thể lực của các cầu thủ Olympic Việt Nam bây giờ không hề thua kém các cầu thủ Tây Á, dù các cầu thủ của chúng ta thi đấu 7 trận trong vòng 18 ngày. Một điều đáng nói nữa là lúc này chúng ta có được huấn luyện viên tài năng, tâm huyết Park Hang-seo. Chính ông đã thổi luồng gió mới, giúp các cầu thủ của chúng ta tự tin hơn ngay cả trong phòng ngự, trước các đối thủ cho dù là rất mạnh, như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với chúng tôi những cầu thủ: Thủ môn Tiến Dũng, Quang Hải, hậu vệ Tiến Dũng, Công Phượng, Đình Trọng, Văn Hậu, Văn Toàn, Văn Thanh, Minh Vương... xứng đáng là thế hệ vàng ở sân chơi tầm châu lục và hy vọng các anh giữ vững, phát huy tốt hơn nữa thành tích đã đạt được, đưa bóng đá nước nhà bước sang giai đoạn mới tươi sáng hơn.

Thêm những bài học

Ánh Viên, Xuân Vinh, Tú Chinh không thành công, thậm chí thành tích còn sút kém so với chính bản thân, đặt ra câu hỏi không dễ trả lời cho ngành thể dục thể thao. Ai cũng biết, kinh phí đầu tư cho Ánh Viên, Tú Chinh là rất lớn, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Chắc chắn, những ngày tới, ngành thể thao sẽ có những phân tích kỹ lưỡng, trên nhiều khía cạnh về thất bại của các tuyển thủ trên, về những nguyên nhân khách quan, chủ quan và thậm chí có thể đâu đó là bệnh ham thành tích nên khiến các tuyển thủ bay đi, bay về dự hàng loạt giải đấu lớn nhỏ, để đến khi vào đấu trường lớn nhất, quan trọng nhất thì lại... bị hụt hơi.

Ngay sau khi Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh thi đấu không thành công ở xứ Vạn đảo, ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam ở ASIAD 18 đã khẳng định: Thể thao Việt Nam sẽ điều chỉnh, xem xét lại kế hoạch, chiến lược đầu tư cho các VĐV trọng điểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao 1, phân tích: “Thể thao thành tích cao có quy luật rất rõ ràng: Gian lao, vinh quang và cay đắng. VĐV của chúng ta phải đua tranh với nhiều nhà vô địch thế giới, vô địch châu Á tại ASIAD, bởi thế việc để có được thành tích cao là điều hết sức khó khăn. Chính vì thế, chúng ta càng trân trọng những tấm huy chương mà các tuyển thủ quốc gia mang về cho thể thao Việt Nam ở Á vận hội. Huy Hoàng, Thu Thảo, Quách Thị Lan đã mang lại vị thế mới cho bơi và điền kinh Việt Nam. Song Việt Nam chưa vươn lên tới nhóm thứ hai của ASIAD vì chưa đủ thời gian để đào tạo, xây dựng hệ thống lực lượng tài năng, cũng như chưa có chiến lược đầu tư mạnh mẽ cho ASIAD vì vẫn đang phân thân, phân tâm với SEA Games. Việc phát triển thể thao đỉnh cao phải đúng quy luật và huy động toàn bộ sức mạnh của xã hội. Bằng không, chúng ta khó lòng vươn lên tầm cao mới”.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc