Dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tiếp thu tinh hoa nhân loại, đã hình thành nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Trước bối cảnh hội nhập, giao thoa văn hóa hiện nay, yêu cầu cấp thiết là xây dựng, định hình những giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thật cụ thể, để từ đó kích hoạt nguồn “sức mạnh mềm” của dân tộc Việt Nam.
Các chuyên gia văn hóa cho rằng, hiện nay, tình trạng “sa mạc hóa” tâm hồn, “lệch chuẩn” đạo đức có nguyên nhân là bởi các khái niệm, quy chuẩn hành xử của con người trong xã hội hiện đại còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Trong khi, bối cảnh hội nhập quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có những tác động lớn tới hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam. Do đó, việc xây dựng một hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu để bảo đảm tính định hướng trong phát triển, hoàn thiện con người Việt Nam, là yêu cầu trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững.
Chuẩn mực giá trị người Việt Nam hiện đại vẫn phải hội tụ 4 giá trị cốt lõi là đức - trí - thể - mỹ; trong đó đạo đức và trí tuệ phải là hai trụ cột vững chãi tạo nên “chất giá trị Việt Nam” trong mỗi người.
PGS, TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng, trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người được nêu ở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XII, đạt được những thành tựu nổi bật. Các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực xây dựng và phát triển con người Việt Nam được được hiện thực hóa và phát huy tác dụng rất to lớn, quyết định các thành tựu của đất nước.
Theo đó, chỉ số phát triển con người (chỉ số HDI) và các chỉ số khác về phát triển con người không ngừng gia tăng, đạt mức cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân GDP/người/năm.
“Tuy nhiên, chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam cũng đang có vấn đề nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, đang gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước”, PGS, TSKH Lương Đình Hải nêu thực trạng.
Theo ông, nhiều biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, thiếu nhân văn… vẫn tồn tại, làm giảm sút niềm tin vào công bằng, lẽ phải, vào các cơ quan Đảng và Nhà nước, làm suy giảm khát vọng và động lực phát triển đất nước và con người.
7 giá trị con người Việt Nam truyền thống tiêu biểu được đề xuất là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Những giá trị này trong một thời gian dài đã làm nên sức mạnh Việt Nam, góp phần chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh, bảo vệ Tổ quốc.
Mặt khác, nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội và chính bản thân con người đều trực tiếp hoặc gián tiếp gắn liền những vấn đề về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, con người và cộng đồng. Xã hội Việt Nam vẫn đang tiếp tục các quá trình chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, từ xã hội khép kín, “đóng cửa” sang “mở”, chủ động và tích cực hội nhập.
“Trong bối cảnh đó đòi hỏi xây dựng, phát huy, phát triển các giá trị con người là rất cần thiết, rất có ý nghĩa trên nhiều mặt, nhiều phương diện”, PGS, TSKH Lương Đình Hải nêu quan điểm.
Nhấn mạnh hệ giá trị con người là hệ giá trị cốt lõi và ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm, trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người Lương Đình Hải cho rằng, nguồn lực các hệ giá trị là nội sinh, nếu không dùng sẽ bị lu mờ, hao mòn và mất đi sức mạnh, cạn kiệt dần. Ngược lại, chúng ta càng khai thác thì nguồn lực này càng được bổ sung, phát triển mạnh mẽ, có tác động sâu rộng và bùng lên mãnh liệt.
Đồng quan điểm này, GS, TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh: Việc xây dựng con người Việt Nam theo những chuẩn mực phù hợp, gắn với các giá trị cốt lõi (hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị gia đình Việt Nam) là đòi hỏi cấp thiết của đời sống hiện nay.
Việc xây dựng con người Việt Nam theo những chuẩn mực phù hợp, gắn với các giá trị cốt lõi là đòi hỏi cấp thiết của đời sống hiện nay.
Ông cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia.
“Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao”, GS, TS Hồ Sĩ Quý nói.
Các kỹ sư của Công ty Cổ phần Vicostone kiểm tra hoạt động vận hành của dây chuyền sản xuất. Ảnh: NGUYỄN HÀ
Ảnh trái: Công nhân Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần trong ca làm việc. Ảnh: HÀ PHƯƠNG
Ảnh phải: Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội. Ảnh: NAM QUANG
Đồng quan điểm trên, hai chuyên gia gồm PGS, TS Đặng Thị Lan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS Nguyễn Thị Lê Thư (Đại học Kinh tế quốc dân) cùng nhận định rằng, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong quá trình phát triển của các quốc gia, dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo PGS, TS Đặng Thị Lan và TS Nguyễn Thị Lê Thư, trong tiến trình ấy, chúng ta đón nhận nhiều cơ hội, song cũng có nhiều thách thức trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Và một trong những thách thức lớn nhất là sự suy thoái về đạo đức, lối sống và sự phai nhạt, thậm chí đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Muốn phát triển bền vững, một trong những vấn đề quan trọng là cần tập trung phát triển con người, xem con người là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.
Do đó, muốn phát triển bền vững, một trong những vấn đề quan trọng là cần tập trung phát triển con người, xem con người là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước; trong đó vấn đề xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là vô cùng quan trọng.
Hai chuyên gia này cũng chung nhận định rằng, bối cảnh mới cần có con người có những phẩm chất, chuẩn mực tương xứng, phù hợp để có thể phát huy được năng lực của mình, có khả năng thích ứng trong xã hội hiện đại.
Theo các chuyên gia, trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, những phẩm chất của con người Việt Nam được hình thành hun đúc trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt song cũng rất hào hùng. 7 giá trị con người Việt Nam truyền thống tiêu biểu là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Những giá trị này trong một thời gian dài đã làm nên sức mạnh Việt Nam, góp phần chiến thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh, bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, những phẩm chất của con người Việt Nam được hình thành hun đúc trong một hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt song cũng rất hào hùng.
Khẳng định tầm quan trọng của hệ giá trị con người trong đời sống ngày nay, các chuyên gia cho rằng cần có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người để có thể xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo PGS, TSKH Lương Đình Hải, mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người, tuy nhiên, trong thực tế chúng ta chưa có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người.
Từ đó, PGS, TSKH Lương Đình Hải đề xuất cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng, là những nội dung cơ bản không thể thiếu.
Các chuyên gia cho rằng cần có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người để có thể xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ở góc độ khác, nhấn mạnh khi nói đến hệ giá trị con người hay về giá trị Việt Nam nói chung thì khía cạnh đạo đức được nhắc đến trước tiên, PGS, TSKH Lương Đình Hải lại lưu ý, cần xem xét kỹ lưỡng khi xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam cũng như khi khai thác, sử dụng và phát huy nó để phát triển đất nước.
Ông cho rằng cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội là những chủ thể xã hội đặc biệt quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người. Bởi lẽ, các chủ thể này có chức năng, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tiếp nhận, hình thành và phát triển các hệ giá trị Việt Nam nói chung và hệ giá trị con người nói riêng, đặc biệt là giữa các thế hệ trẻ.
PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và TS Đặng Hà Chi (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) thì nhấn mạnh quan điểm, đạo đức và tri thức là những yếu tố mấu chốt tạo thành hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Theo hai chuyên gia này, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam có thể chia thành hai nhóm: Hệ giá trị chuẩn mực cốt lõi và hệ giá trị chuẩn mực phổ cập cần có ở con người Việt Nam hiện đại.
Theo đó, chuẩn mực giá trị người Việt Nam hiện đại vẫn phải hội tụ 4 giá trị cốt lõi là đức - trí - thể - mỹ; trong đó đạo đức và trí tuệ phải là hai trụ cột vững chãi tạo nên “chất giá trị Việt Nam” trong mỗi người.
Đạo đức và tri thức là những yếu tố mấu chốt tạo thành hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam .
Nêu lên thực trạng đời sống đạo đức xã hội Việt Nam có nhiều điểm “đáng báo động” hiện nay, PGS, TS Đặng Thị Lan (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS Nguyễn Thị Lê Thư (Đại học Kinh tế quốc dân) nhắc đến tình trạng tệ nạn xã hội gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như buôn bán phụ nữ, trẻ em, nội tạng; tội phạm công nghệ… và cho rằng điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giáo dục đạo đức, lối sống và sự cần thiết phải hình thành sớm những giá trị chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
“Phát huy những giá trị truyền thống đã từng làm nên sức mạnh của dân tộc là hết sức cần thiết; đồng thời cần bổ sung thêm những giá trị hiện đại nhằm xây dựng, phát triển con người, đáp ứng ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế”, hai chuyên gia này nhận định.
PGS, TS Đặng Thị Lan và TS Nguyễn Thị Lê Thư đã đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đó là, cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam làm điểm tựa, định hướng cho việc phát triển, hoàn thiện con người, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam làm điểm tựa, định hướng cho việc phát triển, hoàn thiện con người, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Hai vị chuyên gia này đồng thuận với 7 tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất về hệ giá trị con người, bao gồm: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.
“Các giá trị yêu nước, đoàn kết, nhân ái thuộc về những giá trị truyền thống. Đây cũng là 3 giá trị điển hình tạo nên sức mạnh Việt Nam từ trong lịch sử đến hiện tại và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Còn 4 giá trị tiếp theo: Trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực là những điểm còn yếu trong phẩm chất con người Việt Nam hiện nay,” hai chuyên gia chung nhận định.
Từ đó, PGS, TS Đặng Thị Lan và TS Nguyễn Thị Lê Thư cho rằng việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam bám sát điều kiện thực tiễn Việt Nam, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống đã được định hình trong lịch sử; tiếp thu, bổ sung những giá trị, tinh hoa của nhân loại.
Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới.
Mặt khác, cũng cần cụ thể, rõ ràng sao cho dễ hiểu, dễ nhớ dễ thực hiện. Các chuẩn mực mang tính khái quát thì cần được cụ thể hóa. Đồng thời, hệ chuẩn mực con người sau khi được xác định cần nhanh chóng triển khai trong thực tiễn một cách đồng bộ, hiệu quả bằng nhiều phương thức khác nhau…
Rõ ràng, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam chính là sự kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua dòng chảy lịch sử của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và theo thời gian sẽ được bổ sung các giá trị mới. Việc kế thừa giá trị truyền thống trong xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là yếu tố khách quan, đáp ứng yêu cầu đặt ra của tiến trình hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng, là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia - dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt. Bởi lẽ, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Chúng càng được khai thác, càng được khơi dậy, càng được phát huy, thì càng phát triển, phồn thịnh, càng bùng dậy mạnh mẽ.
Các giá trị, hệ giá trị Việt Nam như là những viên ngọc, thỏi vàng quý giá, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Các giá trị, hệ giá trị Việt Nam như là những viên ngọc, thỏi vàng quý giá, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Nội dung: KHÁNH HUYỀN - NGUYỄN THẢO - THU THỦY - TRẦN YẾN
- Ảnh: HUY QUÂN, Báo QĐND, CTV
- Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)