Cán bộ, đảng viên gương mẫu giữ gìn chuẩn mực đạo đức gia đình
EmailPrintAa
15:59 28/06/2018

Một trong những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là không chỉ đề cao vai trò tiền phong trong sinh hoạt, học tập, công tác, mà cần phải thể hiện trách nhiệm nêu gương trong xây dựng gia đình và giữ gìn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Những biểu hiện vi phạm chuẩn mực đạo đức gia đình

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách của con người ngay từ thuở lọt lòng và trong suốt cuộc đời. Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào có tốt thì xã hội mới tốt. Chân lý giản dị đó đã được bao thế hệ người Việt thể hiện trong cuộc sống để không ngừng vun đắp cho tổ ấm của mình trở thành bến đỗ bình yên của cuộc đời.

Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế và những mặt trái cơ chế thị trường, gia đình Việt đang đứng trước nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là không ít giá trị truyền thống tốt đẹp, nền nếp gia phong của nhiều gia đình bị đảo lộn; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Trong gia đình, khi cái tôi cá nhân lên ngôi một cách thái quá và quan niệm sống gấp, sống tự do, sống thiên về hưởng thụ nhiều hơn cống hiến, hy sinh, đã khiến hạnh phúc của không ít gia đình bị lung lay, tan vỡ, trong đó có cả gia đình cán bộ, đảng viên. Một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra là: “Vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”.

Sự vi phạm chuẩn mực đạo đức gia đình của một bộ phận cán bộ, đảng viên biểu hiện khá đa dạng, như: Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, có hành vi bạo lực trong gia đình; tạo điều kiện, cơ hội cho người thân trong gia đình lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình nhằm trục lợi; thiếu quản lý, giáo dục, rèn luyện con dẫn đến con hư hỏng, thậm chí vi phạm pháp luật. Người dân trên địa bàn dân cư nhiều nơi từng phàn nàn về một số trường hợp gia đình quan chức sống xa dân, sống khác dân. Vợ con của nhiều quan chức dù không tài giỏi hay chăm chỉ lao động gì nhưng vẫn có một cuộc sống xa hoa, tậu biệt thự, sắm xe hơi sang trọng, thậm chí có những con quan chức được bao bọc như những “cậu ấm, cô chiêu”, đã lười nhác lao động lại còn hay ăn chơi xa xỉ, trác táng, “ném tiền qua cửa sổ”…

Vấn đề đáng báo động hơn là một số cán bộ, đảng viên đã sa vào lối sống tự do, buông thả, vi phạm luật pháp về hôn nhân và gia đình. Chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, đã có hàng chục vụ việc quan hệ bất chính liên quan đến cán bộ, đảng viên bị đưa ra ánh sáng. Đó là Phó bí thư Đảng ủy xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị bắt quả tang khi đang cùng một nữ nhân viên vào nhà nghỉ; Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có quan hệ ngoài luồng với một nữ nhân viên của xã… Hay như nhiều cán bộ bị tố cáo vì có hành vi quan hệ bất chính với vợ người khác, như: Cán bộ Phòng Đào tạo ngắn hạn của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hải Dương; cán bộ Phòng Kinh doanh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Tây Sơn (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Trung tuần tháng 5 vừa qua, một vụ việc đánh ghen gây bức xúc dư luận tại huyện U Minh (Cà Mau) cũng liên quan đến một cán bộ quản lý trại giam chỉ vì cái tội “vào nhà nghỉ” với vợ người khác…

Được biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XI (2011-2015), cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã kỷ luật 8.683 đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống, trong đó có nhiều đảng viên bị kỷ luật do vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, quan hệ trai gái bất chính, có hành vi bạo lực gia đình, xâm hại quyền phụ nữ và trẻ em.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm chuẩn mực đạo đức gia đình, ngoài ý thức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bất chấp luân thường đạo lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên; còn  xuất phát từ việc cấp ủy các cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú, thiếu sự phối hợp quản lý hai chiều giữa cấp ủy nơi cán bộ, đảng viên công tác với cấp ủy địa phương.

Ảnh minh họa/Ảnh: infonet.vn.

Gương mẫu gìn giữ gia phong, giáo dục người thân cùng chăm lo xây dựng gia đình

Chuẩn mực đạo đức gia đình là một bộ phận cấu thành chuẩn mực đạo đức xã hội và góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa xã hội ổn định, lành mạnh. Tiền nhân có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Một trong những hàm ý của lời nói này là con người muốn làm được những việc lớn lao thì đừng quên bắt đầu từ những công việc có tính chất nền tảng. “Soi chiếu” câu này vào đội ngũ cán bộ, đảng viên thời nay vẫn còn nguyên giá trị. Cán bộ, đảng viên muốn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình và góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cơ quan, đơn vị và đóng góp cho xã hội, đất nước, thì không thể không bắt đầu từ việc tu dưỡng, trau dồi rèn luyện, hoàn thiện nhân cách bản thân và chăm lo vun đắp, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc bền vững.

Gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng con người về đạo đức, lối sống, nhân cách và góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho xã hội. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc vị trí, vai trò của gia đình, cũng như nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc “phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Một trong những nhiệm vụ của đảng viên được quy định tại Điều 4 Điều lệ Đảng hiện hành là: Đảng viên cần gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Muốn làm tốt công việc này thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động tìm hiểu, học tập, nắm vững những nội dung cơ bản của các Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi,… Những luật này quy định rõ ràng, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Thực tế cho thấy, do không nắm vững luật pháp mà một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở (nhất là khu vực nông thôn, miền núi) vẫn có biểu hiện trọng nam khinh nữ, vi phạm Khoản 2, Điều 2, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về “chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”; thậm chí có cả trường hợp cán bộ, đảng viên có hành vi bạo lực gia đình. Cuối tháng 5-2018 vừa qua, vụ việc một cán bộ cấp phòng ở tỉnh An Giang có hành vi đánh đập vợ tàn nhẫn bị dư luận lên án và đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc, đã nói lên điều đó.

Một cán bộ, đảng viên tốt trước hết phải là người công dân gương mẫu trong xã hội; là người ông, người bà mẫu mực; người bố, người mẹ có trách nhiệm; người con hiếu thảo trong gia đình. Trong có ấm, ngoài mới êm. Gia đình có thuận hòa, hạnh phúc mới tạo động lực tinh thần cho cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, công việc ở cơ quan, đơn vị và qua đó góp phần xây dựng nền tảng xã hội phát triển lành mạnh.

Điều 17, Quy định 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm” quy định đảng viên không được "có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng; bản thân hoặc để con kết hôn với người nước ngoài trái quy định”.

Điều 24, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”, nêu rõ: Đảng viên thiếu trách nhiệm, xác nhận không đúng tình trạng hôn nhân dẫn đến việc đăng ký kết hôn bất hợp pháp, sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Đảng viên vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, sẽ bị khai trừ khỏi Đảng.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc