Ở trong nước, một số người vì những lý do khác nhau muốn chuyển hóa chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sang mô hình xã hội “dân chủ”, “nhân quyền” ngoại nhập đã lợi dụng bối cảnh toàn cầu hóa, những khó khăn của nền kinh tế đất nước để xuyên tạc, bôi đen tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam.
Trước một số vấn đề kinh tế-xã hội-môi trường mới nảy sinh, trong đó có sự cố môi trường biển nghiêm trọng do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thuộc Tập đoàn Formosa, Đài Loan gây ra (tháng 4-2016), một số kẻ xấu đã lợi dụng, gây rối hòng làm mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản, Nhà nước CHXHCN Việt Nam với nhân dân.
Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa: Vào tháng 2 và đầu tháng 4-2017, sau vụ gây ô nhiễm của Formosa đã hơn một năm (sau khi vụ việc đã cơ bản được giải quyết, Formosa chấp nhận bồi thường và khắc phục những sai sót…) nhưng một số giáo dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh do hai linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam kích động đã tụ tập gây rối, đập phá tài sản, gây rối tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp đó, họ tụ tập đông người, căng băng rôn, hô khẩu hiệu “đuổi Formosa”… Hành vi của họ đã gây ách tắc giao thông, thậm chí ép cả xe cấp cứu phải dừng trên Quốc lộ 1A. Nhằm thu hút dư luận trong nước và quốc tế, họ còn dùng loa phóng thanh, điện thoại ghi hình tung lên mạng…
Trên địa bàn quản lý của mình, hai ông Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam đã lợi dụng giáo đường để tuyên truyền xuyên tạc, vu khống Đảng Cộng sản và Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trên mạng YouTube đến nay vẫn còn clip bài giảng của ông Nguyễn Đình Thục. Ông đã nhiều lần nói rằng: “Cộng sản là độc ác, gian tham…”. Những hành vi nói trên của hai ông Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam đã vi phạm Điều 88 (tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam) và Điều 89 (tội kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức-Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam). Hoặc gần đây, liên quan đến đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội… dẫn đến một số hành động đáng tiếc của người dân và sau cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với người dân thì sự việc đã dường như tìm ra hướng giải quyết.
Ảnh minh họa/qdnd.vn |
Như vậy có thể nói hoàn toàn không có chuyện chính quyền, công an Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền ngày càng trầm trọng”, “bắt giữ các blogger”, “các đại diện tôn giáo”, đàn áp người dân “biểu tình hòa bình”, hoặc “ bịt mồm các nhà báo”.
Quyền con người (QCN) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị cao quý chung của các dân tộc. Với tư cách là giá trị pháp lý, QCN là quy định pháp luật (trong luật quốc gia và luật quốc tế) nhằm bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người, đồng thời mỗi người phải có nghĩa vụ tôn trọng an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích của người khác và những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội. Nói một cách cụ thể: Không cá nhân, tổ chức nào được nhân danh QCN để đứng ngoài xã hội, đứng trên pháp luật. Điều này không phải chỉ đối với xã hội, Nhà nước ta mà cũng là quy định chung của các quốc gia trên thế giới.
Mặc dù QCN ở nước ta cũng như nhiều nước khác vẫn còn những hạn chế, khác biệt nào đó, chẳng hạn như một số quyền về kinh tế-xã hội ở nước ta, do thiếu nguồn lực nên chưa đáp ứng như ở các nước phát triển, hoặc về một số quyền dân sự, chính trị do truyền thống lịch sử và văn hóa, như quyền tự do ngôn luận, báo chí… pháp luật quy định không được phép xúc phạm lãnh tụ, kỳ thị tôn giáo... song có thể nói cho đến nay, QCN ở nước ta luôn được tôn trọng và bảo đảm cả trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị, pháp lý và trong thực tế.
Cương lĩnh Đại hội XI xác định mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng một xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Báo cáo chính trị Đại hội XII đã tái xác định quan điểm về QCN của Cương lĩnh: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền cũng như lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”. Hiến pháp 2013 đã dành cả một chương (Chương II) quy định đầy đủ các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia đầy đủ những công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Đây là những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm QCN.
Trên thực tế, các QCN của nhân dân ta đã được bảo đảm tốt nhất trong những điều kiện của mình. Về các quyền dân sự, chính trị, việc bảo đảm các quyền này được thể hiện rõ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV. Tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%. Về cơ cấu đại biểu, có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, phụ nữ là 133 người, người ngoài Đảng là 21 người... Tỷ lệ nữ và dân tộc thiểu số của Quốc hội Việt Nam so với nhiều quốc gia ở khu vực thuộc vào loại cao. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ.
Về quyền tự do ngôn luận, báo chí, theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam đều có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg. Qua internet, người dân Việt Nam cũng có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times...
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Theo cơ quan thống kê của mạng Facebook, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người, bằng 1/3 dân số sở hữu tài khoản Facebook. Trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á.
Về các quyền kinh tế-xã hội, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực chưa ổn định sau thời kỳ suy giảm kéo dài, kinh tế nước ta đã được khôi phục. Năm 2016, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Đời sống của người dân được bảo đảm, một bộ phận được nâng cao. Thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, Quốc hội, Chính phủ đã ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào 6 nhóm chính sách chủ yếu: Tín dụng ưu đãi; giáo dục-đào tạo; y tế; nhà ở; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ sinh kế; trợ giúp pháp lý… Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm gần đây đạt 6,5-7%/năm. Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010-2012 và đến năm 2016 chỉ còn 5,22%. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường giao thông, nước sạch…) và hạ tầng xã hội (y tế, trường học, điểm bưu điện…) nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp tục cải thiện đáng kể.
Công ăn việc làm của người lao động được tiếp tục nâng cao nhờ sự hồi phục của các doanh nghiệp. Năm 2016, cả nước có khoảng 110.100 doanh nghiệp ra đời với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của năm 2016. Tới ngày 26-12, tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%; tổng vốn đăng ký ước đạt 24,372 tỷ USD.
Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, những cá nhân, tổ chức do thiếu trách nhiệm dẫn đến việc Formosa gây ô nhiễm làm tổn thương đến QCN của người dân 4 tỉnh miền Trung đã bị Đảng và Nhà nước xử lý kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong kỳ họp thứ 13 (ngày 12 và 13-4) đã kết luận: Thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nhiệm kỳ 2011-2016). Trên cơ sở quyết định này, các cơ quan, tổ chức chính quyền sẽ có những hình thức xử lý thích đáng.
Thiết nghĩ, quan điểm của những cá nhân và tổ chức tự gọi là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” chỉ dựa trên thông tin thất thiệt bao che cho một số cá nhân, những kẻ vi phạm pháp luật, tự cho mình quyền đứng trên pháp luật, đứng ngoài xã hội là một cách nhìn nhận hẹp hòi, thiển cận. QCN theo cách nhìn nhận đúng đắn, khách quan cần nhìn nhận đối với cuộc sống của hàng triệu, hàng triệu con người, họ vừa là những công dân tốt trong khi hưởng thụ QCN vừa thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và xã hội. Cách nhìn nhận QCN dựa trên kỳ thị về chính trị, phủ nhận chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về kinh tế-xã hội, trực tiếp bảo đảm các QCN về dân sự, chính trị, kinh tế-xã hội… cũng là cách nhìn nhận méo mó về QCN với động cơ chính trị xấu, không thể chấp nhận được.
Theo qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)