Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: QUỐC THANH.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ , Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết, hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nước nhà, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Qua đó, hội thảo sẽ xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được hun đúc, ngời sáng trong các cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, quân đội, các lực lượng vũ trang.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc
Trong lịch sử phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng văn học, nghệ thuật tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt Nam và người có nguồn cội Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo
Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, phản ánh chiều sâu và tầm cao tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi giới, mọi người, mọi nhà.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định sau gần 80 năm, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần vào những thắng lợi to lớn của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm phong phú và rạng rỡ nền văn học Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trình bày tham luận.
Quan điểm nhất quán của Đảng ta trong suốt 80 năm qua là coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội thảo khoa hôm nay là công việc có ý nghĩa thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, phát huy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Để phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần quán triệt sâu sắc vai trò quan trọng của văn hóa nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần phát huy hiệu quả của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng tinh thần, bản lĩnh, nhân cách người chiến sĩ Quân đội nhân dân, người chiến sĩ Công an nhân dân. Nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích, đầu tư đúng mức cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Đồng chí yêu cầu, bằng hoạt động văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ Việt Nam cần phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự cường và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Các văn nghệ sĩ cần có nhiều hơn những tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, những tác phẩm chân thực, sinh động về con người tích cực trong thời đại chúng ta. Văn học, nghệ thuật cần góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây dựng tình cảm quân dân thân thiết vững bền, làm cội nguồn sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội thảo diễn ra trong ngày 25/4 với 4 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung: Đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua; phân tích, đánh giá thực trạng văn học, nghệ thuật khắc họa tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; quá trình hình thành và phát triển của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng nhân dân anh hùng từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân cuối năm 1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho đến nay; đề xuất các hướng đi, cách làm trong nghiên cứu, giảng dạy, phê bình và tiếp nhận giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề này ở các nhà trường, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo…
Nguồn: LINH BẢO/nhandan.vn
(https://nhandan.vn/can-co-nhieu-hon-nhung-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-ca-ngoi-lich-su-hao-hung-cua-dan-toc-post806436.html)
Tin mới cập nhật
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới ( 17/01)
- Công tác khuyến học của tỉnh Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2024 ( 08/01)
- Khai mạc Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ( 26/12)
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)