Cần có những chính sách phù hợp để thích ứng với già hóa dân số
EmailPrintAa
16:11 26/04/2019

Cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo con số này sẽ tăng lên 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2050. Ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2035. Theo các chuyên gia, già hóa là một tất yếu của sự phát triển và Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để thích ứng với già hóa dân số.

Theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam hiện tại có khoảng 11,3 triệu người cao tuổi. Trong đó, người từ đủ 90 tuổi trở lên khoảng 350.000 người, từ đủ 80 tuổi trở lên 1,8 triệu người.

Ước tính, tỷ lệ người cao tuổi trên tổng dân số đã tăng lên 11,9% năm 2017 và sẽ tăng lên đến 20% vào năm 2035. Hiện nay tuổi thọ bình quân của nước ta là 74 tuổi, tuy nhiên, số người cao tuổi sống thực sự khỏe mạnh rất ít. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh mãn tính, có khoảng 15,3 năm chịu bệnh tật. 70% người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng khó khăn và hầu hết người cao tuổi sống tại gia đình và tham gia các hoạt động tạo ra thu nhập cho gia đình.

Ảnh minh họa. Nguồn: baotintuc.vn.

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo các chuyên gia dự báo, Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, việc thích ứng với già hóa dân số, không chỉ là đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người cao tuổi mà còn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn để giải quyết các tác động của già hóa dân số đến toàn bộ các nhóm dân số khác.

Nhận định về vấn đề già hóa dân số, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho rằng, già hóa dân số nhanh chóng có tác động ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và ảnh hưởng đến tất cả các nhóm dân cư, đòi hỏi các chính sách có thể thích ứng với vấn đề này. Sự gia tăng cả tỷ lệ phần trăm và số người cao tuổi đòi hỏi phải cơ cấu lại xã hội ở mọi khía cạnh, như đầu tư tài chính, chi tiêu công, quy hoạch đô thị và nông thôn...

Khi dân số già đi thì lại gia tăng những thách thức mà người cao tuổi phải đối mặt, đó là người cao tuổi không có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn lực khác nhau, mà thông thường các cơ hội và nguồn lực này dành cho tất cả mọi người như: Tiếp cận việc làm, thu nhập, chăm sóc sức khỏe, nhà ở đầy đủ và cơ hội tham gia bình đẳng với các hoạt động xã hội, chính trị và cộng đồng. Mặt khác, trong khi mối quan tâm chủ yếu dành cho nhóm dân số cao tuổi nhưng thực tế già hóa dân số không chỉ là vấn đề của người cao tuổi, mà nó bắt đầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Trước những thách thức của già hóa dân số, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Việt Nam cần có một chính sách tiếp cận toàn diện hơn về già hóa dân số, vừa giải quyết các vấn đề già hóa dân số hiện tại ảnh hưởng đến cả người trẻ tuổi và người cao tuổi, vừa cần phải xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội chung nhằm đạt được những tiến bộ và kết quả tích cực. Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành xây dựng Chương trình với các hoạt động cụ thể nhằm xây dựng các chính sách, chương trình đáp ứng với già hóa dân số như vấn đề về an sinh xã hội, việc làm đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội, cứu trợ khẩn cấp, môi trường thân thiện với người cao tuổi; chuẩn bị cho tuổi già…

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc