Cần tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em
EmailPrintAa
07:31 18/05/2016

Hằng năm, cứ đến hè và các dịp nghỉ lễ, tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước. Theo Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Đây là vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội.

 

 

                          Dạy bơi cho trẻ em (nguồn ảnh: Internet)

 

Năm nay, mới đến đầu tháng 5, tai nạn do đuối nước có chiều hướng tăng cả về số vụ và số lượng người tử vong. Điển hình là vụ ở tỉnh Khánh Hòa làm chết 11 học sinh, vụ ở Đồng Nai làm chết 9 học sinh. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 20 học sinh Trung học cơ sở.

Tỉnh ta có bờ biển dài 137 km, nhiều sông lớn như sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, nhiều hồ lớn như Kẻ Gỗ, Sông Rác, Trại Tiểu… đây là những địa điểm quen thuộc, điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách. Với các em học sinh, đây cũng là địa điểm địa điểm lý tưởng để các em tụ tập trong những ngày hè nắng nóng.

Qua tìm hiểu một số em học sinh, được biết, hầu hết các em đều có chung tâm lí vô tư thỏa sức chơi đùa trên sông nước, không mấy em quan tâm đến địa tầng bãi đó có ổn định, có vùng nước xoáy hay không? Chỗ nông sâu, nguy hiểm và những nguy cơ có thể xảy ra… Điều chúng ta cần quan tâm đó là công tác quản lý của gia đình, của nhà trường trong các dịp nghỉ lễ. Hiện nay, việc tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước với học sinh của một số địa phương vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Bơi là kỹ năng cần thiết để trẻ phòng tránh đuối nước, tuy nhiên việc hướng tới tổ chức dạy bơi cho các em học sinh tại các trường, các địa phương hiện nay còn khó khăn…

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh nhưng chủ yếu vẫn do sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi. Nhiều khu vực sông, suối, ao, hồ nước sâu, chảy xiết, dễ sạt lở, lại ở xa khu dân cư, ít người qua lại nhưng không có rào chắn, biển báo nguy hiểm, báo cấm, trong khi phần lớn do mải chơi, các em chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của việc tắm, chơi đùa dưới nước mà không có sự giám sát của người lớn.

Thời gian qua, mặc dù đã có sự nỗ lực từ các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phòng chống, ngăn chặn những tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh, tuy vậy, nguy cơ tai nạn đuối nước vẫn còn rất cao. Vì hạnh phúc của mỗi gia đình, vì tương lai con em chúng ta, để làm tốt công tác ngăn chặn, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.

                                                                                                             Lê Thị Trâm Anh


    Ý kiến bạn đọc