Chủ động ứng phó với thời tiết dị thường
EmailPrintAa
16:54 23/10/2020

Từ đầu năm 2020 đến nay, chúng ta đã chứng kiến những diễn biến thời tiết dị thường. Chỉ trong hơn 2 tuần, các tỉnh miền Trung liên tục gánh chịu 3 cơn bão, gây mưa lũ vô cùng lớn, thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.

Không riêng ở miền Trung, thiên tai còn diễn biến phức tạp, bất thường trên khắp cả nước. Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài bão lũ ở miền Trung, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai với hơn 200 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn ở 43 tỉnh, thành phố, trong đó có gần 10 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 9 trận lũ quét, sạt lở đất, 23 trận động đất; ở miền Nam là hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng cùng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê...

Nhiều nơi trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nước vẫn ngập sâu. Ảnh: qdnd.vn

Xác định là lực lượng nòng cốt trong PCTT, coi nhiệm vụ PCTT là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn chủ động nghiên cứu các quy luật của thời tiết, khí hậu; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp PCTT, đồng thời xây dựng kế hoạch khoa học, thường xuyên cập nhật, bổ sung, tổ chức luyện tập thành thạo, chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng cứu, sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Tuy nhiên, diễn biến dị thường, không theo quy luật của thời tiết, thiên tai đang là bài toán khó của các cấp, các ngành, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ PCTT và cứu hộ, cứu nạn... Với những gì vừa xảy ra và dự báo bão số 8 lại sắp đổ bộ vào miền Trung, các chuyên gia cho rằng, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng phương án ứng phó hiệu quả thì thiệt hại có thể đặc biệt nghiêm trọng khi bão lũ chồng bão lũ...

Chủ động chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó với mọi tình huống thiên tai là cách duy nhất để giảm tối đa thiệt hại. Vì thế, ngay lúc này, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần phát huy trí tuệ tập thể để nghiên cứu, dự báo những tình huống thiên tai có thể xảy ra và có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng liên quan để triển khai phương án PCTT kịp thời, trước hết là khẩn trương sơ tán người và tài sản khỏi những khu vực nguy hiểm như: Vùng tâm bão, các tàu thuyền và lồng bè nuôi trồng hải sản ven biển, vùng có thể ngập sâu, nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét... Công tác chuẩn bị quyết liệt, khẩn trương, chu đáo, bảo đảm đầy đủ cả phương án và lực lượng, phương tiện, cùng với ý chí quyết tâm sẵn sàng xả thân để cứu giúp nhân dân, sẽ góp phần rất quan trọng giúp các địa phương ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Về lâu dài, công tác PCTT cần phải được tiến hành bài bản hơn nữa; có phương án chủ động phòng ngừa tất cả các tình huống thiên tai, sự cố bất thường để chuẩn bị lực lượng, phương tiện và huấn luyện kỹ càng cách ứng phó, bảo đảm không bỏ sót, không bị động, bất ngờ trước bất cứ sự cố, tình huống nào. Đặc biệt, cần tích cực tham mưu với lãnh đạo địa phương, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự chủ động ứng phó với thiên tai, sự cố bất thường cho mọi đối tượng, từ đó có kế hoạch, phương án phòng, chống hiệu quả nhất, góp phần hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguồn: Tiến Đạt/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chu-dong-ung-pho-voi-thoi-tiet-di-thuong-641735 )


    Ý kiến bạn đọc