Bức thư của chị Võ Thị Tần
Nguyên văn bức thư như sau:
"Đồng Lộc, ngày 19/7/1968
Mẹ kính yêu của con! Ngày mai chị Thủy về nhận thực phẩm sẽ ghé về nhà ta, con viết mấy dòng chữ gửi về thăm mẹ. Mẹ ơi! Chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên Ngã ba Đồng Lộc, với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều nhanh chóng xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có đến trinh sát, chúng tưởng đâu là đường sá bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến. Chúng con vui sướng vẫy chào những lái xe anh dũng. Mẹ của con thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước chắc mẹ lo cho chúng con lắm. Nhưng không mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ. Ban đêm chúng thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom đến giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng nó có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con.
Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi! Thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng chúng con vẫn tập được nhiều bài hát mới. Quyển sổ tay mẹ gửi dạo nọ đã gần hết rồi, mẹ gửi thêm cho con ít giấy.
Mẹ! Mới về thăm mẹ đó mà sao con thấy nhớ mẹ quá. Con mong mẹ giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con nhiều. Thìn em! Tình hình học tập của em ra sao? Có tốt không? Chị nhắc em phải tranh thủ thay chị giúp mẹ, đừng để mẹ làm nhiều mà tội. Các chị em trong đơn vị gửi lời thăm sức khỏe mẹ đó, mẹ cho con gửi lời thăm sức khỏe cậu mự, cùng các cháu và bà con xung quanh.
Thôi mẹ nhé. Con của mẹ, chị của em
Tần"
Toàn bộ bức thư chỉ vỏn vẹn 421 chữ, nhưng trong đó chứa đựng bao điều, có lẽ khi đọc lên không ai không xúc động, cảm phục tinh thần quả cảm của các cô gái thanh niên xung phong thời đó và tự hào. Lời văn đầy chất thép, thể hiện chí khí của thanh niên xung phong: Mẹ ơi! Chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa… Với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều nhanh chóng xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Chị Võ Thị Tần và đồng đội hành động đúng như khẩu hiệu của thanh niên xung phong lúc bầy giờ: "Tim có thể ngừng đập, nhưng mạch máu giao thông không thể tắc", dẫu trời còn sớm, máy bay địch dễ phát hiện ném bom, nhưng tất cả đều không sợ hiểm nguy, "nhanh chóng xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa". Lời văn sử dụng phương thức biểu cảm, bút pháp lãng mạn, tinh thần bi tráng, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, pha lẫn chút giễu cợt, coi khinh kẻ thù: "Chúng tưởng đâu là đường sá bị tan nát vì cơn mưa bom của chúng. Nhưng chúng có mắt cũng như mù, chính lúc đó là lúc đoạn đường đang được nối liền bằng tất cả tâm hồn và trí lực của chúng con". Ở nơi "tọa độ chết" như vậy, nhưng cô và đồng đội vẫn lạc quan yêu đời một cách kỳ lạ, lại còn pha ý chế giễu kẻ địch: "Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, ban ngày chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện". Giữa nơi bom đạn thường xuyên ném xuống, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng Chị và đồng đội hồn nhiên, vô tư, lạc quan, hóm hỉnh đến kỳ lạ. Cứ vào ban đêm địch thả pháo sáng rọi xuống để phát hiện quân ta, từ đó gọi máy bay đến ném bom thì các chị coi đó là "chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường"; ban ngày chúng đem bom đến hủy diệt quân và dân ta, hòng chặt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc vào miền Nam thì các chị cho rằng "chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện". Để rồi đi đến một khẳng định, trở thành lẽ sống của hàng triệu trái tim người Việt Nam: "Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con" . Tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi ngày mai, coi thường kẻ địch một lần nữa lại được thể hiện ở đoạn gần cuối bức thư: "Mẹ ạ, thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này. Mẹ ơi! Thời gian này địch đánh phá ác liệt nhưng chúng con vẫn tập được nhiều bài hát mới" . Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, với bao khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; công việc nặng nhọc, vất vả, đặc biệt đối với chị em phụ nữ càng vất vả vô cùng, nhưng cô và đồng đội "vẫn tập được nhiều bài hát mới". Rất lạc quan yêu đời, tiếng hát của các chị thực sự “át tiếng bom” quân thù, tạo nên ý chí để vượt qua muôn vàn khó khăn, làm họ thêm yêu đời để “sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Bức thư được chạm khắc lên đá
Bức thư còn thể hiện một tình thương bao la dành cho người mẹ thành kính và người em gái đang đi học. Tình thương yêu mẹ không chỉ thể hiện ở phần đầu và cuối bức thư, mà nó được thể hiện trong toàn bức thư. Hơn ai hết, Chị hiểu được tâm trạng người mẹ luôn lo lắng, dõi theo từng bước chân con, như lời thơ của Tố Hữu : "Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần" . Để người mẹ đỡ lo lắng về mình, Chị khéo léo động viên mẹ: "Con kể để mẹ mừng nhé!" Biết được tâm trạng người mẹ "thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước chắc mẹ lo cho chúng con lắm", Chị đã an ủi mẹ bằng tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào chiến thắng quân thù: "Nhưng không mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ" và "Thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ kiên cường này". Một điều chúng ta dễ nhận thấy, tuy thư viết cho mẹ nhưng Chị luôn nói về tập thể với đại từ nhân xưng "chúng con". Hơn ai hết, cô cũng hiểu nỗi lòng người mẹ, không chỉ lo cho con mình mà lo cho cả đồng đội của con: "Mẹ của con thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước chắc mẹ lo cho chúng con lắm". Nỗi lòng này không riêng gì mẹ của Chị mà tất cả bà mẹ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đều như vậy. Chính điều này mà gia đình nào cũng sẵn sàng nhường nhà cho bộ đội, thanh niên xung phong ở; sẵn sàng dỡ nhà để lấy vật liệu lát đường cho xe qua và cao hơn hết là các mẹ, các chị sẵn sàng tiễn chồng con lên đường chiến đấu để giành lại hòa bình cho Tổ quốc…
Bức thư có giá trị nhân văn cao cả, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua từng câu, từng chữ. Có những câu sử dụng biện phát tu từ ẩn dụ rất tinh tế: "Đoạn đường đang được nối liền bằng tất cả tâm hồn và trí lực của chúng con"; "Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến" ; có câu sử dụng phương thức biểu cảm, bộc lộ niềm tin trước sự tàn phá khốc liệt của kẻ thù: Bom đạn của chúng nó có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không có thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con… Bức thư được viết vào thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất tại Ngã ba Đồng Lộc, có ngày chúng trút xuống đây gần 1.000 quả bom các loại và lá thư được viết vội ngay tại chiến trường, trong điều kiện thiếu thốn, không có thời gian và giấy viết để viết nháp, trau chuốt từng câu chữ (và Chị cũng có nghĩ đâu rằng, chỉ là một bức thư bình thường gửi cho mẹ mà giờ có hàng triệu người đọc từng câu, từng chữ). Không hiểu sao một cô gái với trình độ lớp 5 lại viết được một bức thư có giá trị lớn và xúc động đến như vậy?
Bức thư của chị Võ Thị Tần như thay cho lời nói và hành động của vạn thanh niên thời đại đó, không hề run sợ trước bom đạn của kẻ thù, dù khó khăn, vất vả, thiếu thốn, nhưng các chị, các anh vẫn kiên định với lý tưởng cách mạng, hăng say lao động, chiến đấu và một lòng tin tưởng vào thắng lợi ngày mai, tất cả đã làm nên một huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc và tất cả để Tổ quốc được hòa bình thống nhất và ngày một phát triển như hôm nay.
Dương Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)