Chuyện những lần gặp Bác của người đảng viên cao tuổi
EmailPrintAa
15:33 08/06/2017

Ông Nguyễn Văn Minh nguyên là cán bộ chủ chốt của huyện Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh), đại biểu Quốc hội khóa III (1964 - 1971). Trong quá trình công tác, Ông nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Mỗi một lần gặp Bác đều đem đến cho Ông những bài học, kỷ niệm sâu sắc. Trong căn nhà gỗ ba gian ở tổ dân phố 8, thị trấn Thạch Hà, chúng tôi được Ông kể lại những quá trình công tác, đặc biệt là chuyện những lần gặp Bác hết sức xúc động, quý báu.
 
Ông Nguyễn Văn Minh đang xem sách báo  

Ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1928, đến năm 1945, khi đó mới 17 tuổi, ông Minh tham gia giành chính quyền, rồi đảm nhận nhiều nhiệm vụ, cương vị công tác khác nhau.

Năm 1955, ông Minh giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Thạch Hà và được cử đi đào tạo ở Trường C500 (Trường đào tạo cán bộ của Bộ Công an ở thị xã Hà Đông). Năm đó Bác về thăm trường. Trường lúc ấy đơn sơ, hội trường chỉ có tranh tre, nứa lá. Trước khi nói chuyện, Bác đi một vòng xem nhà ăn, nhà ở của học viên. Nói chuyện với cán bộ, học viên của trường, Bác nhấn mạnh về trách nhiệm của cán bộ công an. Cán bộ trẻ như ông khi ấy không những thấm thía vai trò, nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận an ninh mà còn cảm nhận được phong cách và phương pháp làm việc của Bác.

Lần thứ hai là vào ngày 15/6/1957, ông Minh cùng một số đồng chí đại diện cho huyện Thạch Hà được gặp Bác nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh. Đi bộ từ thị trấn Cày vào thị xã Hà Tĩnh, dù trời rất nắng nhưng ai cũng mang tâm trạng mừng vui, hồi hộp nên quên hết mệt nhọc. Ông nhớ lại, khi đó, Bác được bố trí làm việc, nghỉ ngơi tại nhà làm việc của Tỉnh ủy. Đó là ngôi nhà bằng tranh, cột phi lao, 5 gian, ngoảnh mặt trước hồ sen, ở giữa có một phòng họp, hai đầu là phòng làm việc và xung quanh là 6 dãy nhà của các ban Đảng Tỉnh ủy. Lúc ra nói chuyện trước hội trường, Bác bận chiếc áo ka ki 4 túi bạc màu, chân đi dép cao su. Thành phần của cuộc nói chuyện đó là toàn thể đảng viên lão thành, cán bộ cốt cán của các huyện trong tỉnh. Bác đứng trước bàn có micro đơn sơ, hội trường kín chỗ ngồi. Lần nói chuyện ấy, ông nhớ rất kỹ những lời Bác đã dặn dò Đảng bộ tỉnh nhà phải đoàn kết, sửa sai thật tốt và phải làm sao để chăm lo, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Là đại biểu Quốc hội khóa III (1964 - 1971) nên nhiều kỳ họp Quốc hội, ông lại được gặp Bác. Mỗi lần dự họp, Bác đều đến từ rất sớm, dự từ đầu đến cuối. Đại biểu nào phát biểu, Bác đều chăm chú lắng nghe. Điều mà ông Minh không bao giờ quên đó là vào ngày 3/7/1964, tự tay mình được cầm lá phiếu bầu Bác Hồ giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Giây phút đó đối với tôi thật là thiêng liêng, tôi bỏ phiếu bầu Bác giữ chức Chủ tịch nước bằng niềm tin tưởng tuyệt đối”- ông Minh nói.

Tháng 4/1966, tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ tư, thay mặt Đoàn đại biểu Hà Tĩnh, ông đã phát biểu nội dung quân dân Hà Tĩnh sản xuất, chiến đấu, từ đó gắn bó tình kết nghĩa với quân dân Bình Định. Trong lần họp ấy, khi Đoàn ăn cơm trưa xong về phòng nghỉ thì Văn Phòng Quốc hội theo thông báo của đồng chí Vũ Kỳ - Thư kí của Bác: “Chiều nay, Bác mời toàn thể đại biểu 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,Vĩnh Linh vào Phủ Chủ tịch gặp Bác”. Lúc 13h30, khi đại biểu đến đông đủ, đồng chí Vũ Kỳ hướng dẫn mọi người vào phòng tiếp khách đợi Bác. Rồi phút chờ đợi đã qua, đồng chí Vũ Kỳ ra thông báo: “Các đồng chí chuẩn bị tiếp Bác, Bác sắp ra làm việc”. Tất cả mọi người đang sửa soạn trang phục thì đúng 14h, Bác xuất hiện. Thời gian đó là vào tháng 4 dương lịch, tháng 3 âm lịch, thời tiết còn se lạnh. Bác khoác bên ngoài chiếc áo kaki bạc màu. Tay phải cầm một chiếc ví đen to kẹp tài liệu và một bao kính. Bác tiến lại bàn làm việc ngồi chính giữa. Đoàn Hà Tĩnh, Nghệ An ngồi một bên, đoàn Vĩnh Linh, Quảng Bình ngồi một bên Người. Với Đoàn Hà Tĩnh, Bác nói: “Ở Hà Tĩnh 15% cán bộ nữ là quá thấp, ít nhất cũng phải có 25%”. Nội dung này sau đó ông đã thay mặt Đoàn về báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy. Cuộc làm việc để lại cho mỗi người một dư âm khác nhau, riêng ông Minh luôn bồi hồi khi nhắc lại: “Không hiểu vì sao một lãnh tụ, biết bao nhiêu công việc phải lo toan mà vẫn dành tình cảm, sự quan tâm trìu mến như là người cha với con khiến chúng tôi không bao giờ quên”.

Kỷ niệm về những lần gặp cũng như những lời Bác dạy trở thành bài học quý, định hướng tư tưởng, trở thành phương châm ứng xử trong công việc cũng như đời thường của ông. Khi còn đương chức cũng như khi về hưu, ông luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức liêm khiết của người cán bộ, người đảng viên. Điều ông tâm đắc thực hành thường xuyên ở mọi nơi, mọi khi đó là giữ gìn khuôn phép, mẫu mực, tôn trọng người khác trong lời nói, lịch sự, tế nhị trong giao tiếp và được ông đúc kết thành thơ: “Phát ngôn hành xử theo khuôn phép / Ứng xử tiếp giao hợp lẽ đời / Tuổi già mẫu mực nêu gương sáng / Kính Đảng kiên trung phải luyện tôi”. Bởi thế, trước một cuộc hội nghị hoặc giao lưu, gặp gỡ, nếu được đề nghị phát biểu, ông cũng đều chuẩn bị chu đáo, định hình trước cần nói cái gì rồi mới phát biểu, như thế theo ông mới tôn trọng người nghe.

Năm nay đã 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng, nhưng ông Minh vẫn minh mẫn, hàng ngày đọc báo, xem sách, xem ti vi, theo dõi tình hình thời sự. Ông tham gia sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt hội người cao tuổi và hăng say đóng góp xây dựng tổ chức, giữ gìn sự đoàn kết trong chi bộ và gắn kết tình làng nghĩa xóm nơi sinh sống. Ông được cán bộ, đảng viên và người dân khối phố yêu mến, kính trọng.

Từng là cán bộ chủ chốt nhưng Ông sống rất giản dị, ăn uống, sinh hoạt bình dân nếu không nói là đạm bạc, không xem trọng những giá trị vật chất mà tích cực rèn giũa, thực hành, giữ gìn những giá trị đạo đức, phẩm chất, tư cách của người cán bộ. Trong gia đình, ông là tấm gương mẫu mực, cây cao bóng cả dạy con cháu mình luôn có tình yêu thương, trách nhiệm, chăm sóc, quan tâm, lẫn nhau; 5 người con của ông đều là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, 11 người cháu, 13 người chắt đã đi làm và hầu hết lập gia đình luôn giữ gìn được nề nếp, gia phong, dòng họ, biết kính trên, nhường dưới...

Khi chúng tôi xin phép ra về, ông còn chia sẻ những cảm nhận, niềm tin tưởng của mình về sự thay đổi của Hà Tĩnh mà như Ông nói đó là thành quả Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh thực hiện lời dạy trong suốt 60 năm kể từ khi Bác về thăm.

Phan Thị Hương - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Hà


    Ý kiến bạn đọc