Công khai, minh bạch khi làm từ thiện
EmailPrintAa
17:01 07/01/2021

Những năm qua, đặc biệt là trong năm 2020, hoạt động từ thiện để hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ chồng chất ở miền Trung diễn ra sôi nổi, hiệu quả, được dư luận xã hội hoan nghênh và hưởng ứng. Để hoạt động này đúng pháp luật, được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa trong các tổ chức chính trị, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, cần phải công khai, minh bạch và có kế hoạch cụ thể.

Chúng ta đều thấy rõ, khi một hoạt động xã hội mang tính cộng đồng cao, được nhiều người quan tâm hưởng ứng, sẽ luôn được khuyến khích, tạo điều kiện. Đó là trường hợp ca sĩ Thủy Tiên chỉ trong 6 ngày đã vận động được hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề trong bão lũ tháng 10-2020. Đó là việc làm thể hiện tinh thần tương thân tương ái của toàn xã hội và sự lan tỏa giá trị nhân văn đến với mọi người. Điều đáng ghi nhận là các tổ chức chính trị-xã hội, các cá nhân đã đứng ra vận động được nhiều tiền của để giúp đỡ người nghèo, những gia đình khó khăn, hoạn nạn, hay xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác.

Thời gian qua, việc Nhà nước và nhân dân chung tay giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, những người có hoàn cảnh bất hạnh và hỗ trợ đồng bào bị thiên tai là việc làm rất đáng khuyến khích. Những cá nhân nhận tiền quyên góp từ người khác để làm từ thiện, đa số là biết lựa chọn đối tượng và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những nhà tài trợ đã quyên góp tiền cho họ. Điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để số tiền người khác ủy quyền cho họ đến đúng người, đúng nơi, không bị lợi dụng... Đáng buồn là có người, có tổ chức đứng ra quyên góp làm từ thiện lại nặng về mục đích quảng bá thương hiệu, danh tiếng của đơn vị, cá nhân mình; khi lựa chọn đối tượng hỗ trợ thì thiếu minh bạch, chưa chính xác...

Trao quà cho bà con vùng lũ miền Trung. Ảnh minh họa: TTXVN.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; khắc phục hậu quả do hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong các quỹ, chương trình từ thiện. Dự thảo này quy định việc vận động, tiếp nhận, làm từ thiện phải thông báo với chính quyền nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động; phải công khai, minh bạch khoản tiền tài trợ; có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động từ thiện khi được yêu cầu...

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ thiên tai, lũ lụt đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ. Làm như vậy sẽ tạo niềm tin lớn cho xã hội, tránh được những hành vi trục lợi, "đánh bóng" tên tuổi và dễ xử lý các sai phạm khi làm từ thiện.

Tết Tân Sửu đang đến gần, hy vọng các hoạt động xã hội-từ thiện sẽ đến với người dân nghèo, các mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là bà con bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ khu vực miền Trung ngày càng nhiều, hiệu quả hơn. Hy vọng việc công khai về tài chính, minh bạch đối tượng và địa chỉ làm từ thiện, sẽ giúp cho hoạt động nhân văn này ngày càng lan tỏa sâu rộng, với sự tham gia đông đảo và hiệu quả hơn của mọi người không chỉ những dịp Tết đến, xuân về, mà còn đồng hành liên tục trong đời sống xã hội của chúng ta.

Nguồn: Phú Hưng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cong-khai-minh-bach-khi-lam-tu-thien-648495 )


    Ý kiến bạn đọc