Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Hương Khê
EmailPrintAa
07:25 23/06/2020

Thời gian qua, Huyện ủy Hương Khê đã chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 20/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nhờ vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Lễ hội rước Sắc phong vua Hàm Nghi tại xã Phú Gia

Trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay có các lễ hội truyền thống được duy trì, phát huy, thu hút sự tham gia đông đảo của Nhân dân, như: Lễ hội rước Sắc phong vua Hàm Nghi (7/01 âm lịch), Lễ hội rước Sắc Đền Ngàn Trụ (16/02 âm lịch), Lễ hội Tết lấp lỗ (tổ chức vào 7/7 âm lịch hàng năm, sau khi hoàn thành gieo trỉa mùa màng), Lễ hội Chăm Cha Bới - Ăn cơm mới (10/10 âm lịch) của người dân tộc Chứt. Bên cạnh đó, có nhiều loại hình văn hóa, trò chơi dân gian, các môn thể thao  được duy trì, tổ chức rộng rãi như: Múa hát sắc bùa, ví, giặm, đua thuyền, chơi đu, nhảy sạp, đẩy gậy, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Toàn huyện có 11/22 xã, thị trấn có câu lạc bộ dân ca ví, giặm.

Gói bánh chưng trong Lễ hội Chăm Cha Bới

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội từ huyện đến cơ sở từng bước đi vào nền nếp, nội dung lễ hội khá phong phú. Nhìn chung, các lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Thông qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống Nhân dân.

Tuy vậy, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Hương Khê vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị có nơi chưa có các giải pháp cụ thể để đầu tư, tôn tạo, phát triển giá trị các di tích, lễ hội. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nội quy, quy chế lễ hội, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, công tác vệ sinh môi trường… chưa thường xuyên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức, tham gia lễ hội.

Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là ngành văn hóa và một số địa phương chưa thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phản ánh kịp thời những nét đẹp của văn hóa, lễ hội truyền thống địa phương đến với Nhân dân trong và ngoài huyện. Ngân sách đầu tư cho các lễ hội còn hạn chế, nhất là công tác sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Mặt trái của cơ chế thị trường tác động tiêu cực  đến bản sắc văn hoá truyền thống…

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn việc quản lý, tổ chức lễ hội và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê hương, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hương Khê sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW và Chỉ thị số 20 - CT/TU. Tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đưa việc phục dựng, duy trì lễ hội truyền thống vào quy ước, hương ước các thôn, xóm, tổ dân phố và tiêu chí đánh giá thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Ưu tiên nguồn lực bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Chú trọng công tác phối hợp của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng. Quy hoạch các khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, niêm yết giá, tránh tình trạng chèo kéo khách. Quan tâm công tác thu gom rác thải, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình...

Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội sẽ góp phần thực hiện tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục, xây dựng Hương Khê đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian tới.

Kiều Thị Thu Hằng - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hương Khê


    Ý kiến bạn đọc