Đảng ta - nguồn cảm hứng, tự hào của văn nghệ sĩ
EmailPrintAa
19:30 08/02/2023

Kể từ khi thành lập, với mục tiêu đem lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhạy cảm trước sứ mệnh cao cả ấy, văn nghệ sĩ luôn tự hào, dành những cảm hứng sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật ca ngợi Đảng quang vinh.

Gần gũi, thiêng liêng mà không cách biệt

Những ngày đầu năm mới, NSND Quang Thọ khá bận rộn. Đã bước vào tuổi 75, nhưng NSND Quang Thọ vẫn cho thấy sự trẻ trung, đầy lòng nhiệt huyết và tình yêu lớn với âm nhạc, nào là đi thu âm bài hát, giảng dạy, biểu diễn... Ông chia sẻ, ban tổ chức các chương trình tín nhiệm, giao trọng trách thể hiện những tác phẩm về Đảng mang tính hoành tráng, ca ngợi, nên từ chối không đành. Mỗi chương trình về Đảng , Bác Hồ , mùa xuân, đất nước đều mang những thông điệp ca ngợi, nhưng yêu cầu ở mỗi tiết mục khác nhau, nên trước mỗi chương trình, ông thường đi thu âm để mang những nét tươi mới cho tác phẩm.

“Mỗi khi cất lên lời hát về Đảng, Bác Hồ, đất nước, tôi luôn thấy trái tim mình rung động. Cứ thế, âm nhạc dẫn dắt tâm hồn người nghệ sĩ để từ đó thể hiện sao cho lan tỏa được sự rung động, niềm tự hào đến người nghe. Tôi rất vinh dự khi được thân thiết với nhiều nhạc sĩ viết tác phẩm về Đảng, như: Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Văn An, Chu Minh... Qua các ca khúc, Đảng trở nên rất cụ thể, gắn bó mật thiết, gần gũi, thân thương, thiêng liêng mà không cách biệt, giản dị mà vẫn trang trọng. Vì lẽ đó, Đảng là cuộc sống, niềm tin của nhân dân Việt Nam! Chẳng hạn, tôi biết cảm hứng của nhạc sĩ Văn An khi viết “Lá cờ Đảng” năm 1975, đó chính là lá cờ in hình búa liềm tung bay khi đất nước vừa thống nhất. Ca khúc vừa tràn đầy niềm tự hào về lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện sự vững tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc khi có Đảng. Ông viết nên ca khúc từ cảm xúc trong trái tim với một lòng yêu Đảng tha thiết chứ không phải viết trong một cuộc vận động sáng tác hay cổ vũ cho phong trào nào đó. Vì vậy, ca khúc đã để lại ấn tượng sâu sắc với người nghe bởi tính chân thật, chứa đựng tình cảm bao la của nhân dân ta dành cho Đảng. “Lá cờ Đảng” còn thể hiện lòng biết ơn và niềm tin của nhân dân về ý chí, tinh thần đấu tranh bất khuất của Đảng, từng vượt qua mọi chông gai, thử thách để đưa phong trào cách mạng Việt Nam tới thành công qua lời ca hào sảng, phơi phới niềm vui và tin tưởng: “Đất nước bốn nghìn năm, ôi tự hào biết mấy/ Hạnh phúc trong tay ta đang nở hoa kết trái/ Còn gì đẹp hơn lá cờ đỏ búa liềm/ Đảng ta đó hân hoan một niềm tin...”, NSND Quang Thọ cho hay.

Hát về Đảng, Bác Hồ kính yêu là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ nghệ sĩ.Ảnh: NAM NGUYỄN

Trong mạch ngợi ca Đảng Cộng sản Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên có 3 ca khúc, mỗi ca khúc lại mang sắc thái riêng. Trong đó, ca khúc “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng” (phổ thơ của nhà thơ Pháp Aragon) và “Đảng cho ta một mùa xuân” đã trở nên bất hủ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, năm 1959, ông được tặng bản dịch “Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng” của nhà thơ Tố Hữu từ bài thơ bằng tiếng Pháp của nhà thơ cộng sản Aragon mà trước đó ông đã biết. Từ gợi ý ấy, Phạm Tuyên viết bài hát “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”. Với giai điệu tha thiết, tình cảm tin yêu, qua giọng hát đơn ca của các nghệ sĩ Quý Dương, Trung Kiên, ca khúc đã đến với rộng rãi quần chúng trong cả nước.

Một năm sau, năm 1960, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại sáng tác một ca khúc nổi tiếng khác: “Đảng cho ta một mùa xuân”. Khi viết ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại câu nói nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới” của Paul Vaillant Couturier, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Câu nói của người đảng viên cộng sản Pháp đã tạo cảm hứng cho ông viết ca khúc nổi tiếng “Đảng cho ta một mùa xuân”. Với điệu valse nhịp 3/4 trong sáng, nhịp nhàng “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/ Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi/ Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non/ Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời...”, bài hát có nội dung chính luận nhưng giai điệu lại rất duyên dáng nên đã được công chúng yêu thích, nhất là giới trẻ.

Tới năm 1978, nhạc sĩ Phạm Tuyên tiếp tục sáng tác một ca khúc khác về Đảng, đó là “Màu cờ tôi yêu”. Ca khúc được viết ở nhịp 3/8 với nhịp điệu gối nhau một cách tự nhiên: “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta...”. Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác dựa trên lời thơ của Diệp Minh Tuyền. Cũng như hai ca khúc trên, ngay khi ra đời, “Màu cờ tôi yêu” đã chiếm được tình cảm của khán giả.

Rung cảm sâu sắc để sáng tạo nhiều tác phẩm về Đảng

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho hay, những năm gần đây, hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều tác giả, nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật về Đảng, Bác Hồ từng được công chúng hoan nghênh từ vài chục năm trước; đồng thời tiếp tục khai thác, dàn dựng những tác phẩm mới về đề tài này với những thử nghiệm về nội dung và hình thức, bước đầu tạo hiệu quả nghệ thuật tốt.

Là một trong những đạo diễn tài năng và tràn đầy năng lượng, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, nhiều năm trở lại đây trở nên nổi tiếng với những vở diễn sân khấu truyền thống về đề tài cách mạng. Nổi bật trong đó có kịch bản “Hừng đông” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ được NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng thành vở cải lương cùng tên. “Hừng đông” khắc họa hình tượng chiến sĩ cách mạng Phan Đăng Lưu-người chiến sĩ cộng sản, nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực, bản lĩnh, có tầm nhìn xa trông rộng-cùng các đồng chí, đồng bào của ông giai đoạn 1923-1940. Năm 2022, đạo diễn Triệu Trung Kiên và các nghệ sĩ cải lương giới thiệu tới khán giả vở “Nước non vạn dặm”, tác giả Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản. Đây là vở cải lương về Bác Hồ giai đoạn Người ra đi tìm đường cứu nước.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên tâm sự rằng, khi nhận kịch bản, nghệ sĩ cũng có áp lực rất lớn, nhưng cũng rất vinh dự bởi anh ý thức được rằng những trang sử của dân tộc luôn cần được nhắc tới để lòng yêu nước thương nòi trở thành "mã gene" của người Việt mọi thế hệ. Mặt khác, các tác phẩm sân khấu chính luận vẫn có lượng khán giả nhất định, bởi khi tìm đến những vở diễn về Đảng, về Bác tức là công chúng không mong chờ một sản phẩm giải trí thông thường mà muốn tìm hiểu về những chủ đề thiêng liêng của đất nước, muốn sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, muốn lắng nghe những thông điệp chính trị giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nguồn: VƯƠNG HÀ/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/dang-ta-nguon-cam-hung-tu-hao-cua-van-nghe-si-718340 )


    Ý kiến bạn đọc