Đầu tư, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn
EmailPrintAa
17:12 22/03/2022

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, ngày 22-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tăng cường quản lý, việc phổ biến phim trên không gian mạng

Tại phiên họp, việc phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21 dự thảo luật) là một trong những nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, đa số ý kiến đồng tình với phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Một số ý kiến đề nghị phải cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Có ý kiến đề nghị phân loại đối với phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tiễn, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 và được đa số đại biểu Quốc hội đồng tình.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, trên thực tế, rất khó xác định phim có yếu tố quốc phòng, an ninh trước khi phổ biến trên không gian mạng. Do vậy, Thường trực Ủy ban xin được tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, quy định thống nhất tại dự thảo Luật về thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

Đồng thời, để bảo đảm công tác quản lý nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng (khoản 2 Điều 21, điểm b khoản 2 Điều 9).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Phải đầu tư, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giáo dục

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các các cơ quan giải trình đã tiếp thu, lắng nghe các ý kiến song đề nghị các cơ quan rà soát lại xem các mục tiêu cho dự án luật này đã đáp ứng được hay chưa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, chúng ta tiếp cận điện ảnh theo hai mặt: Là một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và công nghiệp văn hóa. “Nếu coi đây là ngành kinh tế thì phải tuân theo quy luật kinh tế, nhưng đã là lĩnh vực văn hóa thì Nhà nước phải đầu tư, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, giáo dục”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa bám sát yêu cầu này. Thực tế cũng cho thấy, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, điện ảnh còn rất thấp.

"Văn hóa chưa được đặt ngang tầm kinh tế, chính trị. Vậy để xứng tầm, ngành điện ảnh phải được quan tâm, đầu tư như thế nào", Chủ tịch Quốc hội nói và nhấn mạnh, đầu tư cho điện ảnh còn là minh chứng để quán triệt, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với phát triển văn hóa.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ quan điểm đến vấn đề việc phổ biến phim trên không gian mạng; cho rằng quy định trong luật là chưa rõ ràng, còn chung chung và rất khó thực hiện. Các cơ quan phải rà soát lại bảo đảm đồng bộ, thống nhất và tránh sơ hở.

Mặt khác, cơ chế nào để ngăn chặn hậu quả, xử lý vi phạm, cần nghiên cứu quy định vào trong dự thảo luật. Đồng thời nên áp dụng kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm tính khả thi của luật. Ngoài ra, nên phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để thực hiện tốt hơn nội dung này.

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần có chính sách về hỗ trợ cho điện ảnh. Tuy nhiên, cần khảo sát xem các nhà làm phim cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế xem họ cần hỗ trợ nhất cái gì, tránh quy định những cái người ta không cần và những cái họ cần thì không quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, có rất nhiều loại hình phim như phim ngắn, phim hoạt hình, phim tình cảm, phim kinh dị, phim hành động… Thế giới định nghĩa loại hình phim này như thế nào. Chính sách nhà nước đối với các loại phim này ra sao. Dự thảo Luật còn quá chung chung, chưa đặt ra từng vấn đề cụ thể để có chính sách phát triển phù hợp, do vậy cơ quan thẩm tra cần phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát thật kỹ, khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống".

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Băn khoăn về việc duy trì quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Liên quan đến quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định Quỹ này.

Bởi lẽ, Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết 23/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sắp xếp lại các quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách Nhà nước hoặc không còn phù hợp. Luật Điện ảnh năm 2006 quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được do chưa xác định được nguồn thu ổn định để bảo đảm hoạt động của Quỹ…

“Dự thảo Luật và các nội dung giải trình về thành lập Quỹ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2 chưa giải quyết được các bất cập nêu trên, do vậy, đề nghị bỏ quy định bổ sung chính sách khuyến khích hoạt động thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định tại dự thảo Luật”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nói.

Tuy nhiên, do cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, nên Thường trực Ủy ban thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 2 phương án bỏ hoặc giữ quỹ này.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị nên giữ Quỹ này, vì điện ảnh là một ngành công nghiệp mang tính rủi ro cao, khó thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, “không nên quá băn khoăn là nhiệm vụ chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, vì nhiệm vụ này chỉ quy định chính sách của Nhà nước đối với việc hỗ trợ làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, bao gồm một một số đề tài như phim thiếu nhi, phim về lịch sử, phim về đồng bào miền núi.

Trong khi đó, mục đích Quỹ là bổ sung hỗ trợ đến đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, quy định này cũng không tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều nhà phát hành, phổ biến phim nước ngoài thu lợi lớn từ thị trường Việt Nam song lại không đóng góp trực tiếp cho nền điện ảnh nước nhà. Nhiều nguồn lợi gia tăng trong công nghiệp điện ảnh như quảng cáo, sản xuất sản phẩm mang chủ đề của phim, nhượng quyền thương hiệu của phim… cũng thu lợi lớn song không có một hình thức nào đầu tư lại trực tiếp cho ngành điện ảnh…

Không đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lại cho rằng, “16 năm không triển khai được thì không nên quy định tiếp”.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát lại xem kinh nghiệm thế giới làm thế nào, và ở Việt Nam vì sao có quy định rồi mà không làm được thì Quốc hội mới có cơ sở để quyết định. Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, không nên lập quỹ cho bằng được.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, dự án luật sẽ được tiếp tục cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng này, trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022).

Nguồn: HẰNG PHƯƠNG/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dau-tu-xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-giau-gia-tri-nhan-van-689487 )


    Ý kiến bạn đọc