Để cử nhân, kỹ sư... ra trường không thất nghiệp
EmailPrintAa
16:43 28/03/2018

Một mùa tuyển sinh nữa lại cận kề. Thời điểm này, câu chuyện về chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh đang nóng dần lên. Định hướng nghề nghiệp cho học sinh như thế nào để cử nhân, kỹ sư… khi ra trường không thất nghiệp đang là điều mà xã hội trăn trở.

Nỗ lực phân luồng

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, thí sinh trên trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 để lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Thời điểm này, các trường THPT đang khẩn trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước khi các em chọn ngành, chọn nghề.

Toàn tỉnh Bắc Ninh có 37 trường THPT với hơn 13.000 học sinh. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Ninh cho biết: Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được ngành giáo dục tỉnh chú trọng triển khai trong nhiều năm nay. Để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, sở đã chỉ đạo các trường nghiên cứu kỹ quy chế, cách thức tổ chức thi làm căn cứ tư vấn, định hướng cho học sinh xác định đúng tổ hợp môn thi, đồng thời chọn trường phù hợp với năng lực bản thân.

Qua thực tế nhiều năm quản lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã thành lập phòng tham vấn học đường từ năm 2002. Không chỉ tư vấn tâm lý cho học sinh, phòng còn có thêm chức năng tư vấn hướng nghiệp cho 100% học sinh trong trường ngay từ khi các em bắt đầu vào đầu cấp. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, quan trọng nhất của việc hướng nghiệp là học sinh được đối thoại với các chuyên gia tư vấn. Phòng tư vấn của trường có ba chuyên gia, kết hợp hai phương pháp hướng nghiệp. Một là sử dụng phương pháp của các nhà khoa học quốc tế. Theo đó, các em được làm bài kiểm tra với 6 nghề lớn để từ đó chọn ra ngành nghề phù hợp. Hai là kết hợp phương pháp của Á Đông theo cách dùng ngày, giờ, tháng, năm sinh của học sinh để đánh giá sở trường năng lực. Các chuyên gia sẽ có thời gian để làm việc với từng lớp. Căn cứ vào trắc nhiệm theo hai phương pháp Tây-Đông, các chuyên gia kiểm tra lại thông số, chia học sinh theo từng nhóm nghề riêng rồi đưa ra những lời khuyên, hướng nghiệp phù hợp với sở trường, sở đoản của học sinh.

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2018 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Cần thay đổi tư duy về chọn nghề

Những năm gần đây công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được các cơ sở giáo dục từ cấp THPT đến các trường ĐH, CĐ đặc biệt quan tâm, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, suy nghĩ của nhiều phụ huynh và học sinh vẫn là sau khi tốt nghiệp THPT phải đỗ đại học bằng mọi giá, kể cả trái với hoài bão, ước mơ của con em mình. Hệ quả, không ít sinh viên “xôi hỏng bỏng không”, nghỉ học giữa chừng. Nhiều năm làm công tác đào tạo, ông Dương Ngọc Khánh, Trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thừa nhận, do không chọn đúng ngành nghề nên không ít sinh viên theo học bộ môn ô tô chỉ vì… thích ô tô chứ không biết ngành này sẽ học gì và ra trường làm việc như thế nào. Trong khi đó, những nhà tuyển dụng thì biết rõ họ cần đối tượng lao động có trình độ ra sao. Vì thế, nhà trường luôn lắng nghe, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh công tác đào tạo để sinh viên khi ra trường đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.

Trong suốt thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2018, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi 17 chương trình và Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp cho học sinh trên cả nước. Năm 2018 là năm thứ 16 ngày hội được tổ chức. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá, hoạt động này rất hữu ích với học sinh. Đây là dịp để các em tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đồng thời có những kiến thức cần thiết để chuẩn bị đăng ký vào các trường ĐH, CĐ hoặc lựa chọn nghề cho tương lai phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Việc tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp trong suốt 16 năm qua là minh chứng rằng xã hội rất quan tâm và đồng hành cùng thế hệ trẻ khi các em chuẩn bị bước vào đời.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng phân tích, về cơ bản, quy chế thi THPT Quốc gia và tuyển sinh năm 2018 không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Một trong vài điểm thay đổi trong quy chế năm nay là Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học công bố tỷ lệ có việc làm của các sinh viên trong hai năm trước liền kề. Qua đó làm cơ sở để các em có thể tham khảo xem ngành nghề nào đang thiếu, đang thừa để lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng: “Không cứ phải học đại học hay cao đẳng mà quan trọng nhất là sau khi học xong, các em phải có việc làm chứ đừng để mình thành nạn nhân của thất nghiệp”.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc