Để “Cung - Cầu” lao động không bị đứt gãy
EmailPrintAa
17:32 01/07/2021

Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên lao động đang làm việc trong quý II-2021 giảm so với quý I-2021; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở độ tuổi lao động đều tăng.

Cụ thể, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý II-2021 giảm 65.000 người so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,2 điểm phần trăm; tỷ lệ thiếu việc làm ở độ tuổi lao động tăng 0,4 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh lao động thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, doanh nghiệp lại đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn do... thiếu lao động. Thiếu lao động nhưng trên thực tế chỉ riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì trong quý II-2021 có tới 26,7% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.

Giờ lao động của công nhân Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh: Minh Trường.

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động tăng, trong khi doanh nghiệp không tìm lại được đủ số lao động như trước khi dịch xảy ra. Điều đó cho thấy đã có dấu hiệu của sự đứt gãy về “cung-cầu" lao động. Điều này rất nguy hiểm. Bởi sự đứt gãy về “cung-cầu” lao động sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, dẫn tới sự đứt gãy về nguồn cung sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ra thị trường, gây hệ lụy nhiều mặt cho tình hình kinh tế-xã hội.

Để tránh đứt gãy về “cung-cầu” lao động thì phải gỡ được hai nút thắt. Một là nút thắt từ tâm lý sợ hãi của người lao động (NLĐ). Rất nhiều lao động sau khi trở về quê đang chưa muốn trở lại doanh nghiệp làm việc vì sợ bị lây dịch. Để vừa không mất công tuyển dụng lao động mới, đào tạo lại lao động, doanh nghiệp nên phối hợp với các địa phương kêu gọi NLĐ trở lại doanh nghiệp làm việc; bảo đảm phương tiện đưa đón; bố trí nơi ăn, chốn ở tập trung và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch (PCD) khi NLĐ quay lại làm việc.

Hai là nút thắt từ tâm lý phòng vệ vượt quá mức cần thiết của các địa phương. Thực hiện quy định về PCD, đặt yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân lên trên hết là chủ trương rất đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế có những địa phương thực hiện các biện pháp có phần cực đoan, cứng nhắc, như yêu cầu mọi người đến từ các tỉnh, thành phố có dịch đều phải cách ly tập trung. Sự cực đoan, cứng nhắc trong PCD đã gây cản trở cho sự di chuyển của NLĐ, làm cho NLĐ không thể quay trở lại doanh nghiệp làm việc một cách bình thường.

Khi gỡ được hai nút thắt ấy, “dòng chảy” lao động sẽ dần trở lại bình thường, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa PCD Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội...

Nguồn: Chiến Thắng/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-cung-cau-lao-dong-khong-bi-dut-gay-664030 )


    Ý kiến bạn đọc