Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã và đang được công khai ngày càng nhiều hơn trên cổng thông tin điện tử bộ, ngành, địa phương. Theo đó, người dân, doanh nghiệp chỉ việc kê khai, đăng ký các dịch vụ này qua internet, sau đó đến cơ quan hữu quan nộp lệ phí và nhận kết quả (với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3) hoặc chỉ việc chờ nhận kết quả tại nhà (với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Thực tế đã có ngày càng nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, điều này đã mang lại những lợi ích rất to lớn cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cơ quan, đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ công.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng còn rất nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn chưa biết họ có thể sử dụng phương tiện kết nối internet để tuân thủ thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, doanh nghiệp dù biết có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhưng vẫn chưa tin tưởng, sợ hồ sơ không đến được nơi cần đến, nên lựa chọn cách nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở các cơ quan cho… chắc. Như vậy, từ chưa biết, chưa tin đã dẫn tới việc người dân, doanh nghiệp chưa sử dụng các công cụ ưu việt của Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Ảnh minh họa
Để người dân, doanh nghiệp biết, tin, dùng các công cụ của Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Cùng với đó, việc xây dựng điểm truy cập internet công cộng và hướng dẫn trực tiếp người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các điểm này; thành lập câu lạc bộ tin học cho người dân trong khu, cụm dân cư mà Hà Nội đang tiến hành cũng là những mô hình hay có thể nhân rộng.
Một điều rất quan trọng nữa là bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ công cần phải nêu cao tinh thần phục vụ, không cố gắng níu giữ “cơ hội” tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tìm kiếm lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ. Khi buông bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, họ sẽ tận tâm hướng dẫn và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mỗi khi tiếp nhận hồ sơ trực tiếp. Cũng chỉ khi buông bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, họ mới đưa ra được những tham vấn hữu ích nhất cho việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, thể chế, quy trình vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một hiệu quả hơn.
Về phía các cơ quan, đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chú trọng hơn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các cổng thông tin điện tử, trang web phục vụ người dân, doanh nghiệp; thường xuyên nâng cấp phần mềm để vận hành thông suốt, bảo đảm an toàn-an ninh mạng trên nền tảng đường truyền internet tốc độ cao… Qua đó góp phần để người dân biết, tin, dùng các dịch vụ của Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử nhiều hơn.
Khi đại đa số người dân, doanh nghiệp biết, tin, dùng thì Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử mới thực sự hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)