“Điểm hẹn” của những nghĩa cử cao đẹp
EmailPrintAa
16:45 10/08/2020

Chiến tranh đã trôi qua, nhưng thảm họa, di chứng và nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều gia đình khắp mọi miền đất nước.

Thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, hưởng ứng Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đã kề vai sát cánh với hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong hành trình nhân ái vì NNCĐDC. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và nỗ lực khắc phục thảm họa da cam ở nước ta. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động vì NNCĐDC được tổ chức rộng rãi trong toàn xã hội. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp thường xuyên và đột xuất; nhận nuôi dưỡng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất, học nghề, học văn hóa; giúp sửa nhà, xây nhà, xây dựng cơ sở bán trú, phục hồi chức năng, các cơ sở xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe... cho NNCĐDC được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quan tâm thực hiện.

Các nạn nhân chất độc da cam giới thiệu sản phẩm với khách du lịch. Ảnh: qdnd.vn

Và, ngày 10-8 hằng năm trở thành “điểm hẹn” của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa. Ngày đó đã thực sự trở thành những ngày hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ngày hội “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tinh thần ấy đã được cổ vũ, lan tỏa, khơi dậy lương tâm, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với NNCĐDC, nhằm tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Song, vẫn còn đó những bất cập, khó khăn trong việc chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Hiện vẫn còn nhiều hồ sơ tồn đọng chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định và hàng trăm nghìn người bị phơi nhiễm chưa được hưởng chế độ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là sự thể hiện trách nhiệm của cộng đồng, là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ, nhân văn, đòi hỏi có sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, mà trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng theo Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC phải trở thành một nội dung, mục tiêu phấn đấu trong nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp; hướng đến những hoạt động, việc làm mang tính bền vững, lâu dài. Muốn vậy, cần phải có cơ chế, chính sách xã hội hóa mạnh mẽ để mọi tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế chung tay xoa dịu nỗi đau da cam ở Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi gia đình NNCĐDC cũng phải tự vươn lên bằng ý chí, nghị lực của mình với quyết tâm “tàn nhưng không phế”.

Nguồn: Nguyễn Anh Sơn/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/diem-hen-cua-nhung-nghia-cu-cao-dep-631179 )


    Ý kiến bạn đọc