Niềm vui ngày khai giảng năm nay như được nhân lên, lan tỏa trên mỗi đường làng, tuyến phố vì thời điểm này vào năm trước, hầu hết các trường không tổ chức khai giảng tập trung do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sau 3 tháng hè, các em học sinh trở lại nhịp sống trường lớp với bao niềm tin, ước mơ, khát vọng cao cả và trong tâm thế, tinh thần hăng hái, miệt mài học tập, rèn luyện, tu dưỡng để hy vọng hái được những “quả ngọt” trong năm học mới.
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, thu hái được những kết quả đáng khích lệ. Thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành giáo dục đã chủ động tinh giản chương trình, triển khai nhiều giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và chuyển đổi số trong giáo dục đáp ứng yêu cầu chương trình dạy học trực tuyến. Các cấp học, các cơ sở giáo dục tiếp tục quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục được củng cố và nâng cao. Dấu ấn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là lần đầu tiên cho học sinh đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, giảm chi phí, tiết kiệm, được xã hội đánh giá cao. Tham gia thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2022, các đội tuyển của Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành quả, thành tích đáng tự hào, với 32 huy chương (12 huy chương vàng, 11 huy chương bạc, 9 huy chương đồng) và 5 bằng khen. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục có chuyển biến tích cực, ngành giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong năm học 2022-2023, hoạt động giáo dục và đào tạo diễn ra trong bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, khả quan; tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Đây cũng là năm thứ 10 toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Trên cơ sở chủ đề năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành giáo dục tiếp tục bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về giáo dục, chú trọng thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu, các cấp học; triển khai theo đúng lộ trình, kế hoạch dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018. Mọi việc đổi mới giáo dục phải thực hiện tốt phương châm “Học sinh là trung tâm, giáo viên là động lực, nhà trường là nền tảng”, mọi hoạt động dạy và học phải hướng tới phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh, sinh viên và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Để thực hiện thành công mục tiêu này đòi hỏi ngành giáo dục cần coi trọng củng cố, phát triển nhân tố mang tính quyết định là đội ngũ giáo viên ở các cấp học và lực lượng cán bộ khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học. Cùng với đó, thực hiện tốt các chương trình, đề án hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục. Tiếp tục đột phá, ưu tiên việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
Giáo dục và đào tạo luôn được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Kỳ vọng về một nền giáo dục trung thực, đổi mới sáng tạo, tiên tiến, hiện đại là mong muốn của Đảng, Nhà nước và là khát vọng của toàn dân ta. Mỗi thành quả của sự nghiệp giáo dục mang lại niềm tin lớn lao của toàn xã hội đối với ngành giáo dục và các thầy cô giáo. Với sứ mệnh “trồng người” vinh quang, cao cả, đội ngũ nhà giáo thường xuyên củng cố, bồi đắp tình cảm “yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”, nêu tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo, tận tâm cống hiến, chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Là một bộ phận quan trọng trong nền giáo dục của quốc gia, năm học qua, hệ thống nhà trường quân đội tiếp tục đổi mới về nội dung chương trình, phương pháp đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong năm học mới, bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, các học viện, nhà trường quân đội cần gương mẫu đi đầu triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” trong công tác giảng dạy, huấn luyện cho các đối tượng học viên. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và phục vụ tốt”; xây dựng nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng là những cơ sở giáo dục uy tín, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội và đất nước.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)