Đội tuyển Việt Nam: Thua do... thầy nội?
EmailPrintAa
08:34 29/11/2012

Khi đội tuyển Việt Nam thi đấu không thành công ở trận ra quân với đội tuyển Myanmar, BHL đội tuyển Việt Nam biện bạch rằng vì trời mưa nên đội bóng chúng ta đã không thể thi đấu với phong độ tốt nhất. Vậy còn hôm qua, điều kiện thời tiết Bangkok không thể lý tưởng hơn nữa, nhưng đội tuyển Việt Nam thậm chí còn chơi tệ hơn cả trận với đội tuyển Myanmar, và phải nhận thất bại mà HLV của cả đội thắng lẫn kẻ thua đều công nhận là hoàn toàn xứng đáng.

Nhìn lại cả quá trình chuẩn bị cho AFF Cup của đội tuyển Việt Nam thì thời điểm mà đội tuyển Việt Nam chơi tốt nhất lại là khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng vừa mới tập trung chưa được một tuần, còn càng về sau đội tuyển Việt Nam càng thể hiện quá nhiều bất ổn, từ nhân sự cho tới lối chơi, nếu nói chẳng ngoa thì là: “Phú quý giật lùi”.

Có vẻ như thời điểm mà đội tuyển Việt Nam chơi 2 trận khá tốt trên đất Malaysia và Indonesia là do công của… V-League, vì lúc ấy V-League mới kết thúc nên các cầu thủ đều vẫn còn ở trạng thái sẵn sàng thi đấu, nhưng đến lúc đội tuyển Việt Nam đi vào giai đoạn huấn luyện chuyên sâu thì biểu đồ phong độ của thầy trò HLV Phan Thanh Hùng chỉ có đi xuống chứ chẳng hề nhìn thấy dấu hiệu đi lên.

Thế nhưng, khi dư luận lên tiếng phê bình chỉ trích, người trong cuộc đã không hề tiếp nhận với thái độ thực sự cầu thị, và có lúc còn phản ứng quyết liệt rồi biện bạch bằng những lý do khách quan. HLV Phan Thanh Hùng được xem là truyền nhân đắc ý nhất của HLV Henrique Calisto ở Việt Nam, và đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông Hùng được chọn làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, cho dù để thuyết phục ông Hùng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, VFF đã chấp thuận một điều kiện có lẽ là chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đấy là ông Hùng tuy lên đội tuyển nhưng vẫn là HLV trưởng CLB Hà Nội T&T.

Chỉ giống HLV Calisto về cách thức xây dựng lối chơi cho đội tuyển Việt Nam, nhưng ông Hùng lại khác người tiền nhiệm ở rất nhiều khía cạnh, đấy là vấn đề kỷ luật, vấn đề chuẩn bị tâm lý thi đấu cho cầu thủ, vấn đề ứng phó với những diễn biến thực tế trên sân.

Chưa có lần tập trung để chuẩn bị cho giải khu vực nào mà đội tuyển Việt Nam lại phải loại bỏ nhiều tuyển thủ vì lý do kỷ luật như ở AFF Cup năm nay, khi đếm nhanh cũng có tới 3 cái tên phải rời khỏi đội tuyển vì lý do phi chuyên môn. Thậm chí, ở đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng đã có tới 2 lần các trụ cột bị thay ra giữa chừng vì bất mãn mà không thèm bắt tay BHL, trong đó một lần xảy ra ngay tại AFF Cup 2012.

Công việc chuẩn bị tâm lý thi đấu cho đội tuyển Việt Nam lại còn thất vọng hơn nữa, khi bản thân HLV trưởng Phan Thanh Hùng còn phải thừa nhận không biết vì sao lại có sự khác biệt quá lớn với các học trò của mình giữa lúc tập luyện và khi thi đấu thực tế. Nhưng nếu đấy không phải là trách nhiệm của HLV trưởng thì là của ai?

Xét mặt bằng chung thì nhân sự của đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2012 tuy chưa phải tập hợp toàn bộ những cầu thủ tốt nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng thực tế cũng chỉ còn thiếu sót một vài cái tên, nên việc đội tuyển Việt Nam thi đấu thất bại ở giải năm nay thực sự là một điều rất khó hiểu và đáng tiếc. Suốt cả hành trình của đội tuyển Việt Nam từ lúc mới tập trung cho đến khi thi đấu ở AFF Cup 2012, người ta nhận thấy hầu hết những lần thay người của HLV Phan Thanh Hùng đều chỉ là đưa cầu thủ này vào sân lấp vị trí cho cầu thủ khác, chứ rất hiếm thấy hiệu quả từ sự điều chỉnh thế trận trên sân thông qua những lần thay người của ông Hùng.

Tâm lý thi đấu không tốt, chiến thuật cứng nhắc, điều chỉnh trận đấu không linh hoạt, chừng đấy lý do là quá đủ để dẫn tới một kỳ giải thất bại nặng nề, cho dù mặt bằng cầu thủ của chúng ta không hề thua kém so với các đội bóng khác trong khu vực. Cùng với thất bại gây sốc của đội tuyển Malaysia ở bảng B, có thể nhận định cái thời mà các HLV nội lên nắm đội tuyển QG ở bóng đá Đông Nam Á vẫn còn rất xa, và chúng ta có khi lại phải quay về con đường sử dụng HLV ngoại.


    Ý kiến bạn đọc