Đưa pháp luật gần với người dân
EmailPrintAa
15:08 22/04/2019

Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết để một xã hội ổn định và phát triển. Pháp luật luôn là công cụ quan trọng nhất để quản lý xã hội. Để thượng tôn pháp luật thì không chỉ các cơ quan công quyền phải thực thi nghiêm minh mà vấn đề có ý nghĩa cốt lõi là mọi người trong xã hội phải từng bước nâng cao sự hiểu biết, có kiến thức và tuân thủ luật pháp. Bởi thế, tuyên truyền, giáo dục pháp luật (TTGDPL) cho người dân có vai trò quan trọng.

Đảng, Nhà nước ta luôn nỗ lực trong việc chuyển tải các chủ trương, chính sách để đưa pháp luật vào đời sống, đến với mọi người dân. Dù vậy, đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều giải pháp, sự quyết tâm.

Ở góc độ nào đó, hệ thống luật pháp của chúng ta vẫn còn những hạn chế; bộ máy vận hành, thực thi luật pháp còn những điểm chưa tốt. Nhiều địa phương, nhất là cấp cơ sở, việc TTGDPL chưa thực sự hiệu quả, còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ. Những người trong ngành thường ví von, pháp luật luôn là một “rừng văn bản, một biển kiến thức”, bởi thế người dân không dễ nắm bắt nếu không có những cách thức, biện pháp phù hợp đưa pháp luật vào cuộc sống. Bản chất của pháp luật là khó, khô khan khiến nhiều người ngại học, tìm hiểu dẫn đến không biết cách vận dụng.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Để TTGDPL đến với mọi người dân cần huy động được sức mạnh tổng thể. Phương pháp TTGDPL phải đa dạng, linh hoạt, dễ tiếp thu, dễ đi vào lòng người; tùy từng nội dung, chủ đề để có phương pháp chuyển tải phù hợp. Có thể qua hệ thống trường, lớp chính thống, qua hội nghị, hội thảo; qua hệ thống tuyên truyền cổ động, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức như sân khấu hóa, hội thi... Thông qua những hình thức này, rất dễ để đưa những kiến thức pháp luật như các vấn đề về chấp hành an toàn giao thông (Luật Giao thông đường bộ), hôn nhân gia đình, quyền trẻ em, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân… Một hình thức khác trong TTGDPL cần được nhân rộng là đưa kiến thức pháp luật đến tận nhà dân. Điều này đặc biệt hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, các tổ tư vấn, trợ giúp pháp lý, cán bộ hòa giải... Thông qua hình thức này, người dân có điều kiện tiếp thu sâu, hiểu rõ hơn kiến thức thuộc các lĩnh vực, như phòng, chống tội phạm, vấn đề đất đai, chế độ chính sách… Đơn cử như một phiên tòa xét xử lưu động tại địa phương về những vấn đề rất dễ nảy sinh trong xã hội, như: Hôn nhân, gia đình, trộm cắp tài sản, trốn thực hiện nghĩa vụ quân sự, tội phạm như ma túy, đánh bạc… luôn có giá trị trực quan rất tốt trong xã hội, với người dân.

Khi mà đời sống kinh tế ngày càng phát triển thì đi liền đó là những vấn đề xã hội nảy sinh. Các hiện tượng khiếu kiện gia tăng, đặc biệt là khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Sự gia tăng khiếu kiện cũng có nguyên nhân từ việc người dân thiếu kiến thức pháp luật, trong đó chủ chốt là kiến thức về Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai. Người dân chỉ thực sự tìm hiểu kiến thức pháp luật khi quyền lợi bị xâm phạm. Bởi thế, tuyên truyền, giáo dục những kiến thức này không chỉ giúp người dân có thêm hiểu biết, tự bảo vệ quyền lợi của mình mà còn là “hàng rào” cảnh báo, răn đe để mọi người tuân thủ pháp luật, biết sợ cái sai. Dù việc đưa những kiến thức, nội dung của các luật đến với người dân còn nhiều khó khăn nhưng là việc làm cần thiết. Trên thực tế, nhiều người có thói quen dùng tình cảm, niềm tin thay chế tài luật pháp. Điều này có những mặt tích cực, tuy nhiên, nó khó đạt đến sự nghiêm minh, chuẩn mực. Trong mọi diễn biến xã hội, luật pháp phải là thước đo, hành lang vận hành xã hội.

Để mọi người dân thực sự hiểu biết, có kiến thức, tuân thủ pháp luật là không dễ. Bởi thế, việc TTGDPL cần sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu phải thực sự có trách nhiệm. Cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, tạo niềm tin cho xã hội. Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, tổ chức giám sát việc thực thi pháp luật. Và điều kiện tiên quyết là mọi người dân cần nêu cao ý thức, tự xây dựng cho mình lối sống, suy nghĩ và hành động thượng tôn pháp luật.

Nguồn: qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc