Giáo dục bằng những cú tát cần phải “cải cách” đầu tiên
EmailPrintAa
15:57 06/12/2018

Việc các cô giáo phạt học sinh bằng cách tát vào mặt hóa ra không phải chỉ là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt. Liên tiếp những vụ việc xảy ra gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng cách thức giáo dục như vậy đã trở thành… thói quen của một bộ phận không nhỏ các thầy cô giáo? Muốn cải cách giáo dục, trước hết, phải chấm dứt ngay lập tức những hành vi phản cảm, phản giáo dục này.

Ảnh minh họa

Chiều 5-12, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác nhận, thông tin một học sinh lớp 2 bị cô giáo phạt bằng cách cho bạn tát liên tiếp 20 cái vào mặt, là… có thật.

Cụ thể, sự việc xảy ra vào ngày 3-12 tại lớp 2A5 Trường tiểu học Quang Trung (Quận Đống Đa, Hà Nội). Trong giờ hướng dẫn học, giáo viên chủ nhiệm lớp đã yêu cầu bạn ngồi bên cạnh tát học sinh vì cho rằng em này gây mất trật tự. Khi bị bạn tát đến cái thứ 20, học sinh bị phạt đã không chịu nổi và khóc lớn, lúc ấy cô giáo mới yêu cầu dừng.

Ngày hôm sau, em học sinh bị phạt đã không thể tới trường do mặt bị sưng tím và hoảng sợ. Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xác minh báo cáo sự việc nói trên.

Đáng chú ý vụ việc nói trên xảy ra ở ngay giữa Thủ đô, trong khi dư luận đang rất bức xúc trước việc một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình cũng bị các bạn trong lớp, theo lệnh của cô chủ nhiệm, tát 230 cái vào mặt và phải nhập viện.

Cụ thể, chiều 19-11, trong không khí tưng bừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, sau khi nghe học sinh mách rằng bạn H.L.N, học sinh lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục trong giờ ra chơi, giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy đã ra hình phạt bằng cách yêu cầu mỗi học sinh trong lớp phải tát H.L.N 10 cái. Sau khi nhận 230 cái tát vào mặt từ các bạn, H.L.N còn bị cô giáo tát thêm một cái. Hậu quả là mặt mũi học sinh này bị sưng tím khiến gia đình phải đưa em đến bệnh viện huyện điều trị.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cũng đã rất bức xúc với hành vi trên và khẳng định rằng dù nguyên nhân là gì thì việc cô giáo phạt học sinh như vậy là “không thể chấp nhận” và “phải xử lý thật nghiêm”.

Vậy mà chỉ vài ngày sau, giáo viên của Trường tiểu học Quang Trung (Quận Đống Đa, Hà Nội) như bất chấp dư luận, như thách thức lãnh đạo ngành giáo dục, công khai ngay giữa Thủ đô lặp lại một hành vi phản giáo dục tương tự với một học sinh chỉ mới hết một năm chập chững đi học, hằng ngày xưng con với thầy cô.

Những hành vi giáo dục bằng đòn roi, bằng đánh và những cú tát hóa ra không phải chỉ là thiểu số. Ngay trong tháng 11 vừa qua, một giáo viên tại Trường THCS Vân Đình (Ứng Hoà, Hà Nội) bị phụ huynh tố cáo đã đánh vào mặt hai học sinh lớp 8 và đuổi học sinh ra khỏi lớp.

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa đã thành lập tổ công tác xác minh nội dung tố giác nói trên và kết quả cho thấy việc cô giáo N.T.T, giáo viên môn Giáo dục công dân tát học sinh là có thật.

Liên tiếp các vụ việc trên khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu cách giáo dục bằng “roi vọt” phải chăng là một hành vi phổ biến? Nhiều bậc phụ huynh khi về thủ thỉ với các con để thử hỏi xem liệu con và các bạn ở lớp có khi nào bị cô đánh không, thì nhận được câu trả lời thật ngỡ ngàng, hầu hết các cô đều có sử dụng “đòn roi”, nhẹ thì đánh vào tay, nặng thì véo tai, đét đít và đánh vào mặt.

Mỗi khi có vụ việc bị phát giác, các giáo viên đều nại lý do là vì học sinh hư, vì chịu nhiều áp lực, vì ảnh hưởng đến thành tích của lớp…Không thể mãi viện dẫn những lý do đó để bao biện cho hành vi phản giáo dục.

Tư duy giáo dục bằng roi vọt, xâm hại thể xác và tinh thần của học sinh chừng nào vẫn tồn tại phổ biến trong các trường học thì dù có nỗ lực đổi mới giáo dục đến đâu thì thành quả vẫn sẽ bị kéo tụt lại.

Những hành vi phản giáo dục đã rõ ràng, không cần quy trình xác minh, kiểm tra, điều tra gì khó khăn. Bộ GD-ĐT cần phải có ngay những cách thức xử lý nghiêm những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục.

Muốn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trước hết hãy đổi mới phương pháp dạy học, trong đó cần loại trừ hoàn toàn những hành vi giáo dục bằng đòn roi và những cú tát.

Những cú tát của các thầy cô, không chỉ làm tổn hại thể xác và tinh thần các con, mà cũng hủy hoại những thành quả tốt đẹp của giáo dục, chính là "cú tát" vào ngành giáo dục.

Nguồn: nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc