Giáo dục văn hóa ứng xử hài hòa với thiên nhiên - từ góc độ giáo dục
EmailPrintAa
10:50 31/08/2016

Một trong những trụ cột quan trọng để phát triển bền vững về văn hóa lâu nay chưa thực sự được khai thác đó là thái độ ứng xử với thiên nhiên, môi trường. Trang bị một cách có hệ thống phương pháp ứng xử hài hòa với thiên nhiên cho học sinh ở các cấp học là một vấn đề cần được quan tâm một cách đầy đủ. Nhìn từ góc độ giáo dục, việc đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện có sức khỏe, đạo đức, tri thức, thẩm mỹ đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội ngày nay còn phải bổ sung yếu tố văn hóa ứng xử với thiên nhiên.
 

Cô giáo Trường Mầm non xã Bắc sơn, Thạch Hà hướng dẫn các cháu vui chơi trong vườn trường

 

Con người chỉ có thể tồn tại và phát triển nhờ vào các nguồn lực vật chất do tự nhiên cung cấp, khi các nguồn lực này cạn kiện hoặc mất hẳn đi thì sẽ chẳng có một sự tăng trưởng hoặc một sự phát triển nào của xã hội lẫn con người. Từ nhiều thế kỷ trước, các thổ dân da đỏ sống dựa vào tự nhiên, chứng kiến những “cơn thịnh nộ”, biến đổi, kiến tạo của trái đất đã khuyên chúng ta hãy đối xử tốt với trái đất vì nó không phải là “món quà” từ tổ tiên để lại mà nó là “món nợ” của chúng ta mượn của con cháu tương lai. Đồng nghĩa với việc con người không thể tàn phá thiên nhiên mà sống dựa vào thiên nhiên, đừng để đến khi, chúng ta không còn gì để mất mới nghĩ đến việc bảo vệ môi trường sống xung quanh như cách ngôn của họ “Chỉ khi cái cây cuối cùng chết đi và khi dòng sông cuối cùng bị đầu độc và con cá cuối cùng bị đánh bắt thì chúng ta mới nhận ra mình không thể ăn được tiền”.

Cách đây một trăm năm, trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên” Ăng-ghen viết: Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta, nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác ; “Chúng ta cũng không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta” (C.Mác và Ph.Ănghen Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội 1994, T.20, Tr.654, Tr.655). Khi nghiên cứu về giới tự nhiên, Ănghen đã thấy được mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên là mối quan hệ biện chứng. Giới tự nhiên cung cấp, đảm bảo các điều kiện sống cho con người và ngược lại, sự phát triển của con người phải làm sao để cân bằng, hài hòa với tự nhiên. Tàn phá, thiếu tôn trọng quy luật, ứng xử thiếu văn hoá với tự nhiên đều khiến con người phải nhận lấy những hậu quả khôn lường.

Thực trạng ô nhiễm môi trường đe doạ nghiêm trọng đời sống, sinh hoạt, sản xuất của con người từ nông thôn cho đến thành thị là vấn đề đáng báo động hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm do sự biến đổi của tự nhiên, chất thải từ sản xuất công nghiệp, từ sinh hoạt… chung quy lại là do tác động từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến những biến đổi của tự nhiên. Rác thải từ các khu dân cư được thu gom nhưng chưa được xử lý một cách triệt để cũng là nguồn cơn làm nảy sinh các bệnh truyền nhiễm, làm cho nguồn nước sản xuất, sinh hoạt ô nhiễm nghiêm trọng. Nước, chất thải, không khí từ các nhà máy, khu công nghiệp…dù đã được xử lý song mức độ ô nhiễm vẫn cao. Nhiều thành phố lớn ở nước ta có mức độ ô nhiễm khói bụi ở mức báo động. Nguồn nước phục vụ sản xuất ở vùng nông thôn hiện nay bị ô nhiễm nghiêm trọng, một phần là các chất thải từ sinh hoạt, sản xuất chăn nuôi tập trung ở hộ dân, khu dân cư, phần nữa đó là con người lạm dụng quá mức các loại thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây trồng… Lượng thuốc tồn dư, cùng các loại rác thải ngấm vào đất, nước, ao hồ, sông, suối, biển làm nhiều sinh vật bị huỷ hoại, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hiện tại mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi trong tương lai. Nhiều dự án thuỷ điện được triển khai không tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng đã phá huỷ diện tích lớn rừng đầu nguồn làm cho nguồn tài nguyên rừng bị cạn kiệt, hoạt động khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu quy hoạch làm cho hệ sinh thái mất cân bằng, gây nên tình trạng sạt lỡ, lũ quét, đe doạ tính mạng, tài sản của nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều mặt còn hạn chế; pháp luật, chính sách thiếu đồng bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa nghiêm”…, “Tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi còn nghiêm trọng, nhất là tại một số làng nghề, lưu vực sông; xử lý vi phạm môi trường chưa nghiêm. Ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân và doanh nghiệp chưa cao”1.

Đó là những vấn đề ở tầm vĩ mô đang cần nhiều giải pháp để giải quyết song nhìn từ đời sống xung quanh của chúng ta đều thấy nhức nhối vấn nạn do ô nhiễm môi trường đó là tình trạng rác thải tràn ngập. Từ trường học, công viên, đường phố, công sở, bệnh viện cho đến nơi ở… Sẽ không khó để bắt gặp những tấm biển “Cấm đổ rác” nhưng dưới chân tấm biển thì rác vẫn đổ vung vãi. Vẫn có không ít ông bố, bà mẹ đưa con đi công viên hay dạo chơi trên đường phố, sau khi bóc quà bánh cho con vẫn tiện tay vứt luôn mẫu rác xuống vệ đường. Mặc dù, đa số xe chạy đường dài đều đã bố trí, quy định chỗ bỏ rác trên xe nhưng do sự dễ dãi, ý thức của chủ phương tiện lẫn hành khách nên không khó để bắt gặp cảnh tượng người ngồi trên xe ngang nhiên vứt rác xuống lòng đường khi xe đang chạy, thậm chí có khi túi rác đó rơi trúng vào người đang tham gia giao thông trên đường. Hơn thế nữa, có khi những túi rác, vỏ chai còn được xả ra đường từ những chiếc xe cá nhân sang trọng. Nhiều em ở lứa tuổi học sinh vẫn ngang nhiên bẻ cây, bắn chim… Dù công tác tuyên truyền, định hướng đã được các tổ chức, nhà trường đề cập, quán triệt và triển khai bằng nhiều hình thức song vẫn chưa làm thay đổi được nhận thức của các đối tượng. Thật tiếc là hàng ngày chúng ta vẫn bắt gặp những hành động, những việc làm không đẹp mắt, phản giáo dục, mà ở đó có sự tham gia của những người lớn tuổi - những người lẽ ra phải là những tấm gương sáng cho con trẻ noi theo. 

Đi tìm gốc rễ của vấn đề, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, mà ở đây điều cần đề cập đầu tiên đó là vấn đề giáo dục. Giáo dục lòng yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên ở trẻ trong nhà trường và gia đình chưa được chú trọng. Trong gia đình, bố mẹ, ông bà là những người các em chịu ảnh hưởng lớn nhất nhưng chưa thực sự chú trọng uốn nắn cho các em những hành động nhỏ nhất về sự cần thiết phải giữ gìn bảo vệ môi trường sống, thậm chí còn thiếu sự cộng tác trong giáo dục cho trẻ, vẫn còn khoán trắng cho nhà trường. Mặt khác, cách thức phương pháp giáo dục trẻ ở các bậc học về môi trường tự nhiên còn nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện để học sinh tiếp cận nhiều với thế giới tự nhiên. Nhiều học sinh, nhất là học sinh địa bàn thành phố, đô thị thiếu hiểu biết về tự nhiên, nhiều em hầu như chưa được tiếp xúc, hình dung được đồng ruộng, sông suối, ao hồ, rừng,…; chưa phân biệt được các con vật gần gũi như: Trâu, bò, gà, ngan, ngỗng hay chó, mèo… Giảng dạy về ý thức tôn trọng tự nhiên nhưng người lớn lại vứt rác bừa bãi, phá hoại tự nhiên thiếu gương mẫu thì sẽ phản tác dụng.

Giáo dục về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng văn hoá ứng xử hài hoà với thiên nhiên cần nhiều hơn ở việc đổi mới phương pháp, tùy từng cấp học, bậc học để lựa chọn cách thức phù hợp, hiệu quả. Giáo dục ý thức, uốn nắn hành vi rất cần thiết cho trẻ em từ độ tuổi mầm non đến học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Việc giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở độ tuổi này không đơn thuần là kiến thức sách vở, có thể cân đối để giảm thời gian học lý thuyết trên lớp, mạnh dạn tổ chức cho các em trải nghiệm thực tế bằng các hoạt động ngoại khoá, tham quan thực tế, làm đồ chơi, đồ dùng học tập từ những nguyên liệu là vỏ hộp, vỏ chai, rác đã bỏ đi và các hoạt động vừa học vừa chơi. Đổi mới phương pháp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường theo nhiều cách, song quan trọng nhất vẫn là ý thức, hành vi nêu gương của người lớn như bố mẹ, ông bà, thầy cô thông qua những hành động nhỏ nhất như vứt rác đúng quy định, rèn luyện thói quen tốt như không xả rác, không bẻ cây, không tham gia săn bắn chim, thú cho các em… Uốn nắn ý thức và hành vi giữ gìn bảo vệ môi trường là một việc làm khó, đòi hỏi tính thường xuyên liên tục và trải qua một quá trình. Khi trẻ con đã hình thành được ý thức giữ gìn nguồn nước, môi trường sống, không gian sống xung quanh, người lớn cần phải tạo điều kiện cho ý thức nền tảng được duy trì, phát triển trong giai đoạn trưởng thành để các em thực sự là những người sống có ích, biết tôn trọng tự nhiên, đóng góp lớn hơn vì sự phát triển bền vững.

Phan Hương - Huyện ủy Thạch Hà

Chú thích: 1 (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng Hà Nội, 2016, tr.258).


    Ý kiến bạn đọc