Gìn giữ nét đẹp của lễ hội
EmailPrintAa
15:58 14/02/2019

Từ bao đời nay, lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của mỗi người. Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ hội: đình, đền, chùa, để thể hiện lòng thành tâm, cầu mong một năm bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Đồng thời, cũng là dịp để được hòa mình vào những nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa của mỗi vùng quê, đất nước...

Du khách thập phương về dự lễ hội chùa Hương

Với hơn 8.000 lễ hội lớn, nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc, lễ hội đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang tính tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình thức tổ chức và nội dung các lễ hội có sự kết hợp giữa lễ và hội, đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, thờ thần hoàng làng, tín ngưỡng phồn thực... Ý nghĩa phần lễ trong các lễ hội Xuân không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần mang đậm nét đạo lý, truyền thống tôn kính tổ tiên, "uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị anh hùng, danh nhân có công xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, những bậc tiền nhân có công lớn trong việc khai hoang, mở đất, chiêu dân, lập ấp, truyền nghề mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người dân đến và tham gia lễ hội như là một nhu cầu tự thân, với tâm nguyện tốt lành và hướng thiện. Sau một năm bộn bề công việc, với những lo toan cuộc sống hằng ngày, tham gia trẩy hội ngày xuân, khách hành hương sẽ giải tỏa những âu lo, phiền muộn của cuộc sống, được thư giãn với những trò chơi dân gian lành mạnh, được tham quan, thưởng ngoạn, tìm hiểu về các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước. Bà Nguyễn Thị Hòa ở phố Quán Thánh (Hà Nội), cho biết: Sau Giao thừa và sáng mồng 1 Tết, sau khi làm cơm cúng gia tiên tại gia đình xong, tôi và các con, cháu lại lên đền, chùa gần nhà để thắp nén hương, cầu sức khỏe, bình an cho mọi người trong gia đình. Đến với khung cảnh đền chùa, dường như bản thân quên hết những mệt nhọc, cảm thấy trong lòng rất thư thái, nhẹ nhõm. Nhiều người cho rằng đi lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu nguyện, mà đó còn là khoảng thời gian để con người tĩnh tâm hướng về cõi Phật. Mỗi người đến chùa với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đến chùa chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Anh Trần Ngọc Quang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Trong những ngày đầu năm mới, gia đình tôi thường đi hội Gióng đền Sóc Sơn, vãn cảnh chùa Hương... lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam, cho nên tôi cho các con đi cùng để cháu hiểu thêm về văn hóa và truyền thống của dân tộc".

Thực tế, ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội mùa xuân là không thể phủ nhận, song tại không ít lễ hội do số lượng du khách ngày càng tăng nhanh đến mức đột biến, làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý, một số lễ hội dân gian có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống phai mờ bản sắc dân tộc. Phổ biến là tình trạng phần "lễ" còn nặng hơn phần "hội" và chưa định hình được bản sắc riêng, chưa khai thác hết tiềm năng những giá trị văn hóa truyền thống như các trò chơi dân gian, các tích diễn dựa vào truyền thuyết. Phần hội chưa thật sự đổi mới, hấp dẫn, cơ sở hạ tầng của các điểm lễ hội chưa đầu tư đúng mức. Một số nơi xem di tích, lễ hội là nguồn lợi của địa phương chỉ tập trung khai thác giá trị kinh tế mà làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nội quy, quy chế lễ hội, gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường... chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng ăn mặc tùy tiện, phản cảm, thiếu văn hóa, hiện tượng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn khá phổ biến. Một số cá nhân lợi dụng lễ hội lúc đông người bán hương nhang, thẻ tử vi, thẻ khánh, viết sớ, xem bói, chèo kéo khách, bán hàng lấn chiếm đường đi gây phản cảm cho du khách. Nguyên nhân của những bất cập nêu trên, trước hết phải kể đến là công tác quản lý của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý các di tích lịch sử còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Bên cạnh đó, ý thức của một số du khách khi tham gia lễ hội còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả để người dân hiểu được ý nghĩa, giá trị của lễ hội, công đức của các danh nhân cũng như bảo vệ cảnh quan môi trường.

Lại một mùa lễ hội nữa đã đến, để lễ hội phát triển đúng hướng, thật sự là hoạt động văn hóa lành mạnh, bên cạnh việc các địa phương cần thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong các lễ hội theo Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tổ chức và quản lý của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương về các hoạt động lễ hội nhằm phát huy những yếu tố tích cực và ngăn chặn những yếu tố tiêu cực trong lễ hội truyền thống. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức và quản lý lễ hội phù hợp với cấu trúc, đặc điểm và những yếu tố cấu thành của lễ hội truyền thống, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khắc phục những nhận thức sai lệch, méo mó về tổ chức và tham gia lễ hội, khắc phục tư duy coi lễ hội là dịp kinh doanh, cơ hội để "moi tiền" của du khách thập phương. Làm sao để mỗi người tham gia thấy được việc đến với lễ hội, đó không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh góp phần nâng tầm ý nghĩa của việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại.

"Đầu xuân, đi lễ đền, chùa cầu may, để cho tâm được thanh tịnh, tạm xa lánh bụi trần. Việc đốt hương trầm, vàng mã chỉ nên dừng lại ở mức thể hiện lòng thành, không nên lãng phí. Hãy dành những chi tiêu mua hương nhang, vàng mã cho việc công đức. Vì làm phúc, chính là tạo phúc cho mình và cho con cháu mình...".

Hòa thượng THÍCH HIỀN MINH (Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

"Những nét đẹp và giá trị truyền thống của lễ hội là không thể phủ nhận. Nhưng thực tế nhiều năm qua, các lễ hội đã và đang bộc lộ những hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục. Không ít lễ hội bị lạm dụng, thương mại hóa, trở thành nơi kinh doanh trục lợi, làm lu mờ giá trị văn hóa, lịch sử. Đó là chưa nói đến tình trạng mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu; rồi tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự...".

Nhà nghiên cứu văn hóa HẢI VĂN

Nguồn: nhandan.vn


    Ý kiến bạn đọc