Giữ gìn đạo đức người làm báo
EmailPrintAa
19:22 22/06/2022

Kể từ ngày ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam có sự vươn lên và phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Trải qua chặng đường lịch sử 97 năm, chúng ta tự hào có một nền báo chí cách mạng được xây đắp nên bởi những người làm nghề chính trực, đầy trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Họ hằng ngày, hằng giờ âm thầm dấn thân với nghề, vì đất nước, vì nhân dân, vì lẽ phải, góp phần xây dựng một nền báo chí vì con người và tôn trọng con người.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, báo chí nước ta cũng đã và đang bộc lộ những hạn chế, nhược điểm, mà một trong đó là tình trạng xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo, cần phải được chấn chỉnh và có giải pháp khắc phục hiệu quả.

1. Nghề báo và những mặt trái

Thời gian qua, trong thực tiễn hoạt động báo chí ở nước ta đã xuất hiện và tồn tại những khuyết điểm, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà biểu hiện là những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, chính xác, phản ánh một chiều thông tin về mặt trái của xã hội, phản ánh quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội, gây dư luận xã hội bất an. Có khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, nhiều bài viết đăng tải các nội dung chưa thiết thực, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số ít độc giả; sử dụng thông tin chưa kiểm chứng, tạo điều kiện cho các thế lực xấu lợi dụng, khai thác, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta. Một số nhà báo lợi dụng cái gọi là “quyền lực thông tin”, mà thực chất là lợi dụng sức mạnh của công chúng, sức mạnh của dư luận xã hội để thực hiện hành vi tiêu cực, có ý đồ cá nhân như hù dọa, tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện những việc làm theo mưu đồ cá nhân nào đó.

Theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thông tin, năm 2021 Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận trên 100 đơn thư tố cáo khiếu nại, phản ánh. Tất cả đã được đôn đốc xử lý, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Không ít trường hợp hội viên Hội Nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí có hội viên bị thu hồi thẻ và xử lý hình sự. Đáng chú ý, trong năm có một số hội viên Hội Nhà báo và phóng viên bị bắt vì chiếm đoạt, cưỡng đoạt tài sản…

Một số cơ quan báo chí, nhà báo không (hoặc ít) chú trọng tính chân thật trong thông tin quảng cáo các sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên đài, báo; đăng phát ca ngợi, tâng bốc một chiều, vì lợi ích kinh tế cục bộ của cơ quan báo chí hoặc vì lợi riêng của nhà báo, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tiền bạc… của người tiêu dùng, gây tác hại không nhỏ cho lợi ích của một bộ phận công chúng. Không ít tờ báo, nhất là báo mạng, đưa nhiều tin, bài không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin thiên về bạo lực, tình dục, vụ án, đời tư người nổi tiếng, mê tín dị đoan,… để tăng lượt xem, đọc. Một số báo, nhất là báo mạng, chạy theo xu thế thông tin nhanh, soi mói những chi tiết phản cảm, phi văn hóa, xâm phạm đời tư, nhân phẩm con người. Tệ hại hơn, trong trường hợp không có “phong bì” có nhà báo đã cố tình khai thác những chi tiết bất lợi, thông tin tiêu cực từ các cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đưa lên báo để dằn mặt, trả đũa.

Bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực là cơ bản, mang tính chủ đạo thì những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề báo ở nước ta hiện nay cũng là một thực trạng rất đáng lo ngại.

2. Đạo đức là tâm, tầm của người làm báo

Những người làm báo nước ta đều thấm thía câu nói của Bác: “Báo chí là một mặt trận, anh chị em viết báo cũng là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Cây bút và trang giấy là vũ khí của họ”, và lời nhắc nhở của Bác với câu hỏi trước khi đặt bút viết: “Viết cho ai; viết để làm gì; viết cái gì; viết như thế nào?”… Trả lời những câu hỏi đó trước hết nhà báo không được sao nhãng trách nhiệm của mình là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, để chạy theo những giá trị không chân chính, những xu hướng thông tin không lành mạnh, thậm chí những cuộc ngã giá, vụ lợi, bất chấp đạo đức. Sự xói mòn của đạo đức báo chí đi liền với quá trình thương mại hóa đã, đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, đặt một bộ phận không nhỏ nhà báo vào tình thế sẳn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra những ấn phẩm truyền thông mang lại giá trị kinh tế. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang tính giải trí, nôi dung nghèo nàn, không bổ ích và thiếu tính xác thực. Có nhà báo tự cho mình quyền phát xét, đứng trên cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để chi phối, nhũng nhiễu, trục lợi… Trở thành những người làm báo không có đạo đức, tâm không trong sáng, thiếu nhân văn vì cái riêng bỏ cái chung, các nhà báo dễ biến thành những “con sâu” khi có điều kiện.

Để thực hiện đúng các yêu cầu chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Đó là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của các nhà báo trong quá trình “làm nghề”. Tiêu chí đầu tiên của đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam là “Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”. Bác Hồ nhiều lần nhấn mạnh: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là lời hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới…”, “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”. Người nhắc nhở: Nhà báo phải cổ vũ nhân tố mới bằng cách viết cho hay, viết cho chân thật và hùng hồn. Bác coi chân thật là nguyên tắc của báo chí. Cho nên báo chí phải phản ánh đúng sự thật, có thế nào viết thế ấy. Viết biểu dương cũng như viết phê bình phải chân thành, đúng đắn. Thái độ phải rõ ràng trong khen, chê. Lập trường phải vững vàng. Người đặc biệt căn dặn: “Phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành. Nêu cái hay, cái tốt thì phải chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy… ”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa rõ thì chớ nói, chớ viết”. Thực hiện lời dạy của Người trong thời đại thông tin mạng xã hội bùng nổ, thật giả lẫn lộn càng trở nên có ý nghĩa. Nhà báo viết để cổ vũ dân chúng noi gương, nên theo Bác là: “Phải viết cho hay, cho văn chương… Thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì người ta mới đọc”.

Nhìn lại những vụ việc xử lý những nhà báo vi phạm đạo đức nghề báo, không có sai phạm nào chỉ có một người, mà sai phạm của cá nhân đều liên đới đến một tập thể, đến những người chịu trách nhiệm quản lý điều hành tổ chức đó. Vì vậy, xây dựng đạo đức báo chí là xây dựng cách “làm nghề” trong cả dây chuyền hoạt động báo chí để đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối đều phải thực hiện theo nguyên tắc chuẩn mực.

3. Nhà báo -  trước những yêu cầu mới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập mạnh mẽ tạo ra sự phát triển có tính đột phá của công nghệ truyền thông, cách thức làm báo vì thế cũng thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển đó đang tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí và nhà báo. Sự lan tỏa cực nhanh của thông tin đòi hỏi nhà báo không chỉ có tác phong nhanh nhạy, kịp thời mà luôn phải có thái độ thận trọng, chính xác. Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỷ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả, đó là tác phong của người làm báo có trách nhiệm với nghề. Không chỉ có vậy, trước nhiều luồng thông tin trên không gian mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại, nhà báo phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, nhân văn trong việc tiếp cận, khai thác, thẩm định nguồn tin và cung cấp, sử dụng thông tin. Tỉnh táo để có thể phân biệt đúng - sai, thật - giả, chính - tà… Nhân văn để lựa chọn cách đưa tin phù hợp, cân nhắc mức độ, liều lượng, nội dung thông tin mang lại lợi ích tối đa cho công chúng, xã hội, đất nước. Vị thế xã hội của báo chí và trọng trách là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi nhà báo phải thường xuyên bền bỉ rèn luyện, trau dồi bản lĩnh, trí tuệ, nghiệp vụ để vượt qua cạm bẩy “tiền tài danh vọng”. Trách nhiệm nhà báo - người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng không chỉ dừng lại ở việc coi trọng nghề báo, mà cần thể hiện ở sự dấn thân, cống hiến hết mình, sẳn sàng hy sinh vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, để giữ gìn và ngày càng làm đẹp thêm vị thế, uy tín, danh dự nghề báo.

Nguồn: Trần Công Huyềnxaydungdang.org.vn

( http://xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2022/17087/Giu-gin-dao-duc-nguoi-lam-bao.aspx )


    Ý kiến bạn đọc