Góp phần giảm rủi ro do tai nạn tại cộng đồng
EmailPrintAa
16:01 19/07/2019

Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), năm 2018, cả nước có 1.226.704 trường hợp bị tai nạn thương tích, trong đó có 9.745 trường hợp bị chết, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số tai nạn thương tích. Số trường hợp bị chết do tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31%, tự tử 11,45%, tai nạn lao động 6,81%.

Hội Chữ thập đỏ các cấp thường xuyên tập huấn sơ cấp cứu cho các hội viên. Ảnh: LÊ TIẾN

Nguyên nhân chính của những vụ tai nạn là do người dân chưa có ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, kiến thức về phòng tránh tai nạn thương tích và kỹ năng sơ cứu ban đầu của cộng đồng còn hạn chế. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu và phòng tránh tai nạn thương tích cho người dân chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị, phương tiện. Các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu ngay tại cộng đồng, tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân sau khi xảy ra tai nạn còn chưa thuận lợi, nhất là ở những vùng nghèo, xa xôi. Chính vì vậy, rất nhiều trường hợp nạn nhân không được sơ cấp cứu kịp thời, không được vận chuyển đúng cách đã dẫn đến tử vong hoặc bị chấn thương thứ phát, để lại những hậu quả, tổn thất nặng nề về người, tài sản và nỗi đau về thể xác, tinh thần cho nạn nhân và gia đình họ.

Sơ cấp cứu ban đầu là một trong những hoạt động truyền thống, là thế mạnh của Phong trào Chữ thập đỏ (CTĐ), Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế cũng như của Hội CTĐ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Hoạt động CTĐ năm 2008. Những năm qua, Hội CTĐ Việt Nam với sự hỗ trợ của hiệp hội, các hội quốc gia và các đối tác trong phong trào đã xây dựng được bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu và đào tạo được đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu ở hầu hết các tỉnh, thành phố; xây dựng các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng như thành lập trạm, điểm sơ cấp cứu tại các vị trí điểm đen về tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, thiên tai, thảm họa để kịp thời sơ cứu cho nạn nhân khi xảy ra tai nạn; thành lập các đội tình nguyện viên sơ cấp cứu lưu động; hình thành các mô hình trường học an toàn, cộng đồng an toàn, đội ta-xi an toàn, xe ôm an toàn; tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu và trang bị túi cứu thương cho tình nguyện viên; tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu và truyền thông phòng chống tai nạn thương tích cho người lao động, lái xe, giáo viên, học sinh, sinh viên, cho lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát phòng cháy, chữa cháy,... Với hệ thống bốn cấp từ trung ương đến cơ sở và mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp 63 tỉnh, thành phố, các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội CTĐ Việt Nam đã góp phần hạn chế tỷ lệ chết do tai nạn thương tích gây ra.

Năm 2018, chương trình và bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu của Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục được chuẩn hóa và đã được Bộ Y tế thẩm định, ban hành. Bộ tài liệu chuẩn có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo sơ cấp cứu của hội theo đúng quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 17/2014/TT-BYT ban hành ngày 2-6-2014 về việc cấp giấy phép hoạt động đối với trạm, điểm sơ cấp cứu CTĐ và việc huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ, đồng thời là bước cơ bản để hội tiếp tục cung cấp dịch vụ huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu. Mục tiêu chung của hội là phấn đấu đến năm 2022, ít nhất 1,5% số dân sẽ được phổ biến kiến thức và trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản. Hoạt động huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu của hội sẽ được chuẩn hóa theo quy định của Bộ Y tế, góp phần trợ giúp cộng đồng có đủ kỹ năng về sơ cấp cứu đối với các tai nạn thương tích xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau, như: thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt và trong môi trường lao động,...

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Hội CTĐ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu trong hệ thống, góp phần bảo đảm nguồn lực cho việc trang bị kiến thức về sơ cấp cứu cho cộng đồng; nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ; đề xuất các dự án đối với các đối tác trong và ngoài Phong trào CTĐ để tăng cường củng cố và phát triển mạng lưới trạm, điểm sơ cấp cứu CTĐ, ưu tiên ở những địa bàn hay xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước để kịp thời sơ cứu khi có tai nạn xảy ra; chủ động ký kết các Chương trình phối hợp các đối tác để tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn thương tích và huấn luyện sơ cấp cứu cho người lao động, cho đội ngũ lái xe ta-xi, xe ôm, giáo viên, học sinh, sinh viên trong trường học để giảm đến mức thấp nhất những rủi ro do tai nạn thương tích gây ra, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

Theo PGS, TS NGUYỄN THỊ XUÂN THU Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam/nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc