Hà Tĩnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
EmailPrintAa
16:44 09/02/2022

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, trong 10 năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 20/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đến năm 2015 và những năm tiếp theo” và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Giáo viên Trường Tiểu học Thạch Ngọc (Thạch Hà) dạy học trực tuyến (Nguồn ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Việc học tập, quán triệt Nghị quyết được triển khai nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở, gắn với kiểm điểm, đánh giá thực trạng giáo dục, đào tạo của từng địa phương, đơn vị. Các địa phương, đơn vị, trường học đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác phát triển giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét.

Hệ thống trường học và cơ sở giáo dục - đào tạo cơ bản được sắp xếp hợp lý, có quy mô phù hợp, được bố trí khá đồng đều giữa các vùng miền, địa phương. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các trường mầm non, phổ thông theo lộ trình đề ra, góp phần giảm đầu mối, nâng cao chất lượng giáo dục. Các địa phương chuyển 111 trường mầm non bán công sang công lập, thực hiện sáp nhập các trường phổ thông có quy mô nhỏ. Năm học 2015 - 2016 còn 711 trường công lập, giảm 94 trường so với năm học 2011 - 2012; đến năm học 2020 - 2021 còn 638 trường, giảm 73 trường so với năm học 2015 - 2016. Hệ thống giáo dục ngoài công lập được khuyến khích đầu tư mở rộng, số trường ngoài công lập đến năm 2021 có 28 trường, tăng 19 trường so với năm 2011. Toàn tỉnh hiện có 668 trường mầm non và phổ thông, 01 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp nghề, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 216 trung tâm học tập cộng đồng.

Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong các trường học, cơ sở giáo dục được quan tâm. Thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ, giáo viên nhằm hạn chế tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Tổ chức thi khảo sát chất lượng giáo viên, thi giáo viên dạy giỏi, thi tuyển chức danh cán bộ quản lý, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập nghiêm túc, chất lượng, có nhiều đổi mới. Thí điểm bổ nhiệm cán bộ quản lý trường trung học phổ thông thông qua hình thức thi chọn. Tiến hành tinh giản biên chế, thu hút, tuyển dụng, hợp đồng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại các trường, cơ sở giáo dục. Quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo về số lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra, có phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, nhiều giáo viên được công nhận giáo viên giỏi cấp quốc gia.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo; triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án, cơ chế, chính sách đúng quy định, cơ bản đảm bảo tiến độ, nhất là Đề án quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông, Kế hoạch chuyển đổi các trường mầm non sang công lập, các chính sách liên quan đến giáo viên và học sinh… Thực hiện phân cấp quản lý, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các trường học và cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng hiệu quả các phần mềm công nghệ thông tin trong các hoạt động giảng dạy, điều hành công vụ, quản lý tài chính, phổ cập, kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý thi, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, xây dựng chuyên đề…

Giờ học múa của học sinh Trường Hội nhập quốc tế Ischool Hà Tĩnh (nguồn ảnh: Ischool)

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Năm 2013, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên thuộc khu vực Bắc Trung bộ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đến nay vẫn duy trì và củng cố vững chắc kết quả đạt được. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào tháng 12/2015; hiện nay, phổ cập giáo dục tiểu học duy trì mức độ 3. Chất lượng giáo dục trung học có chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hàng năm đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào đại học cao đẳng đạt trên 50%, nhiều em đạt điểm tuyệt đối các môn thi, thủ khoa các trường đại học. Kết quả bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả cao, nhiều năm liền nằm tốp dẫn đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia, một số học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Quan tâm đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đại học, cao đẳng và đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng... Công tác đào tạo lưu học sinh Lào học tiếng Việt và chuyên ngành được các tỉnh của nước Bạn ghi nhận và đánh giá cao. Hiện nay, Hà Tĩnh là tỉnh có du học sinh Lào đến học tập cao nhất cả nước.

Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng theo chuẩn hóa, hiện đại hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học. Đến nay, hầu hết các trường học đều có đủ 01 phòng học/lớp, khắc phục tình trạng học 2 ca; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 85% (năm học 2011 - 2012: 76%, 2015 - 2016: 80%). Toàn tỉnh hiện có 538 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 80,7% tổng số trường công lập. Ban hành chính sách bồi dưỡng, đào tạo, đãi ngộ, tôn vinh và thu hút nguồn lực chất lượng cao, hỗ trợ giáo viên được cử đi đào tạo lại để chuẩn hóa trình độ phục vụ cho việc chuyển đổi thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh. Công tác xã hội hóa giáo dục phát triển đúng hướng, ngày càng hiệu quả. Các lực lượng xã hội đã tích cực tham gia vào việc huy động trẻ đến trường, giám sát, đánh giá và hiến kế cho giáo dục; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mở trường dân lập, tư thục, thành lập các nhóm trẻ độc lập; đóng góp kinh phí cho giáo dục thông qua các quỹ khuyến học, khuyến tài, như: Quỹ khuyến học - khuyến tài Nguyễn Du, Quỹ khuyến học Đất Hồng Lam, Quỹ hỗ trợ học sinh đạt điểm cao hoàn cảnh khó khăn vào đại học (từ khi thành lập - tháng 8/2021 đến nay, Quỹ đã kêu gọi gần 16 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; hiện có 117 học sinh được phê duyệt hỗ trợ).

Tuy vậy, việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ở một số địa phương, đơn vị chưa được chú trọng, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, giáo viên, phụ huynh, học sinh nhận thức chưa đầy đủ về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Một số chỉ tiêu Nghị quyết đề ra đến nay vẫn chưa đạt. Việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, đào tạo ở một số địa phương chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục, đào tạo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn thấp so với yêu cầu. Công tác kiểm tra, giám sát chưa tiến hành thường xuyên, vẫn còn một số sai phạm xảy ra trong giáo dục - đào tạo. Quy hoạch hệ thống trường học ở một số địa phương chưa hợp lý, một số trường sau sáp nhập quy mô vượt quá quy định, có nhiều điểm trường; chưa có quy hoạch hệ thống trường ngoài công lập. Cơ sở vật chất nhiều nơi đã xuống cấp, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số trường học còn hạn chế, chất lượng dạy học ngoại ngữ thấp. Đội ngũ nhà giáo bất cập về số lượng, cơ cấu có nơi chưa hợp lý, còn thiếu giáo viên mầm non, tiểu học; một bộ phận năng lực chuyên môn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác chưa thật sự gương mẫu…

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với phát triển giáo dục và đào tạo; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Tiếp tục sắp xếp hệ thống trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất - thiết bị đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Có các giải pháp bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ. Đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phù hợp với từng lĩnh vực, ngành, nghề và vùng, miền. Tăng cường công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo; ưu tiên đào tạo lao động phục vụ các ngành kinh tế kỹ thuật, kinh tế số, lao động nông thôn. Tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc, hiệu quả các mô hình giáo dục tiên tiến vào quản lý và dạy học.

Đặng Ngọc Bảo - Nguyễn Thị An Thanh (Văn phòng Tỉnh ủy)


    Ý kiến bạn đọc