Hà Tĩnh tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
EmailPrintAa
09:55 18/08/2021

Hà Tĩnh là địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho nhà thờ họ Dương ở xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà

Triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và chủ trương của cấp ủy tỉnh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có Quyết định số 27/QĐ-UBND, ngày 10/7/2013 về “Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, Nghị quyết 93/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo...

Về văn hóa vật thể, toàn tỉnh có trên 1.800 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, đã xếp hạng 509 di tích cấp tỉnh, 86 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trong đó, về kiến trúc nghệ thuật cổ, có Đình Hội Thống, Đền Cả Du Đồng, Chùa Am...; nhiều di tích gắn với các danh lam, thắng cảnh như Chùa Hương Tích, Chùa Chân Tiên, Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Hoành Sơn Quan…; di tích danh nhân văn hoá có Khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...; di tích lịch sử cách mạng có Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập...; di tích lịch sử trong chiến tranh có Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, Trường cấp 2 Hương Phúc, Làng K130... Công tác quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quản lý chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật. Bảo tàng Hà Tĩnh hiện đang lưu giữ khoảng 10 ngàn hiện vật, trong đó có những bộ sưu tập quý có giá trị như đồ gốm cổ, tiền đồng cổ, các hiện vật khảo cổ Thạch Lạc, bảo vật quốc gia súng thần công...

Du khách thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ thanh niên xung phong tại Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc

Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể như Dân ca Ví, Giặm, Ca trù, Ví Phường vải, Trò Kiều, hát Sắc bùa, hò Nam Khê… được phục hồi và phát huy tốt trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 116 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, thống kê được 70 lễ hội các loại, trong đó 12 lễ hội lớn được tổ chức thường niên. Các lễ hội như lễ hội chùa Hương Tích, chùa Đại Hùng, lễ Cầu Ngư, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác… được khôi phục và thu hút đông đảo Nhân dân, du khách tham gia…

Tuy vậy, ở một số địa phương, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lập quy hoạch tổng thể đầu tư tu bổ di tích, lập quy hoạch khảo cổ, cắm mốc địa giới di tích ở hầu hết các địa phương triển khai còn chậm. Một số người dân tự ý xây dựng, phục dựng di tích khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng cho phép. Đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng ngày càng hẫng hụt, đặc biệt đội ngũ cán bộ, chuyên gia am hiểu về kỹ thuật chế tác và bảo quản, lưu giữ mộc bản. Bảo tàng tỉnh chưa đảm bảo điều kiện để lưu giữ, trung bày các hiện vật.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện để nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù; tổ chức các lễ hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Tiếp tục có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân và kịp thời biểu dượng, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc sử dụng các nguồn vốn của nhà nước và xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích, việc sử dụng nguồn thu công đức tại các di tích.

Nguyễn Thị Ái Vân (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)


    Ý kiến bạn đọc